Dai dẳng cuộc chiến chống ‘cát tặc’

Phương Anh | 08/12/2020 14:12

(TN&MT) - Nạn hút cát, sỏi trái phép trên các sông của TP. Hà Nội làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây khó khăn cho quản lý, ảnh hưởng môi trường và an toàn của đê điều, cũng như công trình giao thông đường thủy. Vấn đề này một lần nữa 'làm nóng' nghị trường Kỳ họp thứ 18 HĐND TP. Hà Nội khóa XV ngày 8/12.

Những ‘trận đánh’ chưa có hồi kết

Khảo sát của các Ban HĐND TP. Hà Nội cho thấy, công tác quản lý khai thác cát, sỏi, lòng sông, việc quản lý bến bãi chứa cát, đá, sỏi còn nhiều bất cập, hạn chế; hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang diễn biến rất phức tạp gây lãng phí nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Quang cảnh Kỳ họp

Sau khi xảy ra tình trạng khai thác cát trên địa bàn, xã đã báo cáo UBND huyện và thành phố. Huyện đã ban hành văn bản, quyết liệt xử lý. Theo đó, cuối năm 2019, tình trạng khai thác cát cơ bản chấm dứt nhưng trong năm 2020, một số tàu cuốc lại đến, khai thác vào ban đêm, quy mô nhỏ hơn, chỉ khoảng 1 - 2 tàu cuốc. Huyện và xã đã ra quân quyết liệt, đến nay, cơ bản chấm dứt nhưng mấy đêm gần đây vẫn có 1 - 2 tàu khai thác từ 21 giờ đêm đến 4 - 5 giờ sáng.
Đơn cử tại xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ), Chủ tịch UBND xã Xuân Đình Nguyễn Văn Tín cho biết, sông Hồng chảy qua địa bàn xã Xuân Đình nên bị cát tặc nhòm ngó. Từ năm 2018 đến nay, cát tặc ồ ạt đến xã khai thác cả ngày đêm, tàu cuốc hút cát rất nhiều. Cao điểm năm 2018 - 2019, có lúc có khoảng 10 tàu hút cát.Hiện, thành phố có 7 tuyến sông chính giáp ranh với 8 tỉnh, thường có các đối tượng hoạt động khai thác cát lén lút ở các khu vực giáp ranh các địa bàn huyện. Hàng năm, Công an thành phố đều có kế hoạch yêu cầu các đơn vị các cấp điều tra cơ bản, qua đó, phát hiện 13 điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Còn tại huyện Đan Phương, Trưởng Công an huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Khanh cho biết, huyện có 15km sông Hồng chảy qua, từ năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ 42 đối tượng vi phạm, tịch thu hàng tỷ đồng, trong đó, khởi tố 2 đối tượng. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã xử lý 7 vụ với 7 đối tượng, xử phạt gần 200 triệu đồng.

Tuy vậy, trong thời gian Covid-19, nhiều đối tượng lợi dụng khai thác cát trái phép; Chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp chỉ đạo Công an huyện thực hiện đợt cao điểm tuần tra xử lý; đầu tháng 6 thực hiện chỉ đạo của Công an TP, Công an huyện đã bắt 1 số đối tượng khai thác trên địa bàn giáp ranh với huyện, trong đó có những đối tượng ở địa bàn khác thường xuyên khai thác ở nơi giáp ranh này (nơi giáp ranh với các huyện Đông Anh, Mê Linh, Phúc Thọ rất phức tạp).

Liên quan đến trách nhiệm xử lý 13 điểm khai thác trái phép được các đại biểu nêu trong nghị trường, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết, các điểm khai thác cát trái phép được nêu là các điểm phức tạp. Công an thành phố kiến nghị Sở GTVT phối hợp kiểm tra các tàu chưa đăng kiểm. Ngoài ra, Công an đã có 25 kiến nghị đối với các Sở, quận, huyện; xem xét xử lý dứt điểm đối với các bến bãi không phép. Tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng các tỉnh giáp ranh. Công an thành phố cũng đề nghị Thanh tra Giao thông tiếp tục phối hợp với lực lượng công an giải quyết kiểm tra những phương tiện vi phạm.

"Công an thành phố cam kết với trách nhiệm của minh sẽ không để tình trạng khai thác cát phép trên sông. Còn các bến bãi thuộc Sở TN&MT quản lý, chính quyền các quận huyện thị xã phối hợp, chúng tôi đề nghị tăng cường xử lý phương tiện vi phạm".

Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng

Theo đại diện công an TP. Hà Nội, để trấn áp loại hình tội phạm này, đã có phân chia có Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, giao cho công an các quận huyện thị xã. Đợt tới, trong các quận huyện thị xã, sẽ được bổ sung lực lượng công an chính quy, đây sẽ là lực lượng nòng cốt, trọng tâm để phát hiện để phối hợp đấu tranh có hiệu quả vấn đề khai thác cát.

Phó Giám đốc Công an thành phố cam kết với trách nhiệm của công an sẽ không để tình trạng khai thác cát phép trên sông. Còn các bến bãi thuộc Sở TN&MT quản lý, chính quyền các quận huyện thị xã phối hợp, đề nghị tăng cường xử lý phương tiện vi phạm.

Không thể mãi xử lý 'phần ngọn'

Vấn nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn TP. Hà Nội không chỉ diễn ra mới đây. Mà vốn đã tồn tại trong suốt thời gian dài với nhiều giải pháp đã được các cơ quan ban ngành đưa ra và thực hiện. Tuy vậy, hiệu quả vẫn là một dấu hỏi lớn?!

Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 3, Hà Nội xử lý tàu cát vi phạm

Từ câu chuyện này của Hà Nội, nhìn rộng ra trên cả nước, rõ ràng muốn đẩy lùi và tiến tới chấm dứt nạn khai thác cát trái phép, các địa phương cần hành động thực chất và quyết liệt hơn, không làm theo kiểu phong trào, đánh trống bỏ dùi.

Dẫu biết có cầu thời phải có cung. Nhu cầu cát sỏi cho phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng phải được quy hoạch trên cơ sở tính đến nhu cầu sử dụng chung của cả nước, địa phương và đánh giá tác động môi trường, quản lý và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép như hiện nay.

Giữa ma trận chống 'cát tặc', người dân vẫn cô đơn trên chiến tuyến. Họ chỉ biết bảo vệ nơi sinh sống bằng đẩy đuổi. Còn các nhà chức trách của địa phương - những người được nhân dân đặt niềm tin, được Nhà nước trao quyền quản lý vẫn bình thản một cách đáng sợ. Để rồi nhiều nơi sụt lở đến tận chân đê, phá hủy cả bờ xôi ruộng mật của người nông dân. Sự 'vô cảm' đó khiến mỗi năm ngân sách Nhà nước phải chi đến nhiều tỷ đồng để tu bổ nâng cấp.

Trong khi đó, vấn nạn 'cát tặc' được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Nhiều lần Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt vào cuộc, không được để người dân đơn thương độc mã trong cuộc đấu tranh này.

Đặc biệt từ ngày 10/4/2020, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông chính thức có hiệu lực. Nghị định này được xem là “cơ chế thép” ngăn chặn việc khai thác trái phép cát, sỏi ở lòng, bờ bãi sông.

Quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức mạnh mẽ và rõ ràng. Việc còn lại là sự quyết tâm hiện thực hóa quyết sách đó của địa phương đến đâu mà thôi. Ai cũng biết, truy quét cát tặc là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đặc biệt là với những địa bàn giáp ranh. Nhưng nói không thể xử lý được là điều khó chấp nhận. Bởi, dẫu có là địa bàn không chịu sự quản lý trực tiếp của mình cũng vẫn là lãnh thổ Việt Nam. Nếu điều tra, truy quét tội phạm ma túy hay tội hình sự mà cứ nói khơi khơi rằng, việc ai nấy làm thì làm sao bắt được tội phạm.

'Thuốc' không mạnh, khó có thể khỏi bệnh, thậm chí, còn dẫn đến việc kháng thuốc, nhờn thuốc. Rõ ràng đây là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, thậm chí, người ta có quyền suy nghĩ rằng, cán bộ địa phương có biểu hiện bao che, tiếp tay cho cát tặc lộng hành!

Nạn cát tặc ở sông nào cũng có, địa phương nào cũng nóng. Thiết nghĩ, xử lý 'cát tặc' không khó nếu các cơ quan, lực lượng làm công minh, làm hết trách nhiệm. Cứ xử lý người đứng đầu, cứ trách nhiệm người đứng đầu mà 'trói chặt', tự khắc người đứng đầu cũng 'trói chặt' trách nhiệm những người khác. Liệu khi đó, có còn ai dám bao che, dung túng cho sai phạm?

Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn thành phố có 14 giấy phép hoạt động, trong đó, có 11 giấy phép do UBND thành phố cấp; 8 tổ chức được khai thác cát nổi còn thời hạn. Xác định trên các tuyên sông 207 bãi tập kết khoáng sản đang hoạt động, trong đó, có 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động trên các địa bàn quận, huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dai dẳng cuộc chiến chống ‘cát tặc’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO