Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát hoàn chỉnh thêm dự án luật để bảo đảm tính cạnh tranh, tính vượt trội nhưng cũng bảo đảm hợp lý khả thi, bảo đảm quốc phòng, an ninh, môi trường.
Trong phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi, hiệu quả kinh tế của dự án Luật.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), ước tính để đầu tư cho 3 đặc khu cần 1.500.000 tỷ đồng. Mặc dù có huy động nguồn lực từ các thành phần khác để phát triển đặc khu, tuy nhiên với tính chất của cả 3 đặc khu về kinh tế, chính trị, thì sẽ có những công trình, dự án, hạng mục không thể thiếu vai trò của ngân sách nhà nước. Vì vậy, cần thiết phải có phương án tài chính hợp lý mà trong đó, ước tính Nhà nước đầu tư bao nhiêu.
Đồng thời, bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, theo nguyên tắc mọi khoản chi phải có trong dự toán thì các nội dung của luật phải được đặt trong tổng thể của Kế hoạch tài chính trung hạn, Kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo tính khả thi.
Về chính sách thuế, mặc dù dự thảo đã có nhiều tiếp thu nhưng vẫn cần phải cân nhắc lại. Đại biểu trích dẫn báo cáo của Oxfarm cho biết, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam trong nhiều năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả đích thực. Còn theo Ngân hàng Thế giới, 85% nhà đầu tư khi được hỏi cho rằng vấn đề thuế chưa phải vấn đề quan trọng họ quan tâm. Do đó, đại biểu cho rằng phải rà soát lại các ưu đãi thuế trong bối cảnh nguồn lực có hạn.
Cụ thể, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị bỏ quy định ưu đãi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với một số dịch vụ như kinh doanh casino, trò chơi điện tử, kinh doanh đặt cược … Mặc dù dự thảo tiếp thu đã sửa mức thuế ưu đãi là 15% so với 35% hiện hành nhưng đại biểu cho rằng vấn đề không phải là miễn giảm ít hay nhiều mà là bản chất của thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt có nhiệm vụ điều tiết tiêu dùng, định hướng tiêu dùng và chúng ta chỉ áp dụng theo lộ trình tăng thuế TTĐB. Nhiều nước trên thế giới khi áp dụng chính sách ưu đãi không áp dụng ưu đãi về thuế TTĐB. Vì vậy, để phù hợp bản chất thuế, nên bỏ quy định ưu đãi về thuế TTĐB.
Còn theo đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai), dự thảo cần có số liệu về số thu ngân sách hiện tại và dự kiến, nguồn lực đầu tư, nguồn hỗ trợ dự kiến cần có từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và cả nguồn ngân sách để lại cho các nhà đầu tư do thực hiện các ưu đãi về tài chính thuế... Các phân tích về nguồn lực gắn với từng đặc khu sẽ làm đại biểu yên tâm hơn về tính khả thi, đại biểu nhận xét.
Về việc miễn tiền thuê đất tối đa 30 năm áp dụng cho các nhà đầu tư chiến lược, kể cả trong lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng, casino, các dự án kinh doanh trong lĩnh vực chịu thuế TTĐB… những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, thậm chí không thuộc lĩnh vực khuyến khích phát triển của đặc khu cũng cần được cân nhắc. Đồng thời, đại biểu cho rằng việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong vòng 30 năm ở mọi dự án cho nhà đầu tư chiến lược kể cả bất động sản, nghỉ dưỡng, casino , các dự án kinh doanh trong lĩnh vực chịu thuế TTĐB cũng là quá lớn, chưa thoả đáng.
“Có quá nhiều ưu đãi thuế có thể làm mất đi tính công bằng, trung lập của chính sách thuế, lại áp dụng cho những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, không được khuyến khích sẽ khuyến khích nhà đầu tư kiếm lợi trong ngắn hạn mà không thu hút được nhà đầu tư có chất lượng, dài hạn, đồng thời phát sinh nhiều tiêu cực như lách luật, chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội”, đại biểu Lê Thu Hà nói.
Ở góc độ khác, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, dù là dự thảo luật đã có tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có điều chỉnh và tôi phát biểu tán thành những chỉnh sửa đó, nhất là về đất đai, về nhà ở. “Tôi không tán thành đề nghị ưu đãi nhiều hơn về vấn đề này” - Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.
Nhận thức chung về mục đích và yêu cầu của luật về thành lập các đặc khu kinh tế, theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc thành lập các đặc khu kinh tế không chỉ là thành lập các đơn vị hành chính thông thường mà là một trong những dự án đầu tư công rất lớn nếu đối chiếu với Điều 7 và dự án quan trọng quốc gia của Luật Đầu tư công.
Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta dành ra nhiều ki lô mét vuông đất liền và hàng chục ngàn ki lô mét vuông vùng biển với những tài nguyên thiên nhiên thuộc loại giàu đẹp nhất của nước ta và thế giới để mời gọi đầu tư. Tại những khu vực này nhà nước đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng, theo tài liệu của các đề án sẽ phải đầu tư tiếp hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó sự đóng góp không nhỏ của ngân sách nhà nước, chẳng những thế sự ưu đãi hào phóng về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về các sắc thuế như đề xuất của các bộ ngành và địa phương cũng chính là những khoản đầu tư tài chính cực lớn từ ngân sách. Toàn bộ tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta sự di dời hay ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn dân ở ba khu vực trên đều phục vụ cho các nhà đầu tư của ba đặc khu này.
“Câu hỏi tất yếu đặt ra trong 10 năm, 20 năm hay 50 năm tới tất cả những khoản đầu tư ấy sẽ đem lại những lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai, nhiều chuyên gia và cử tri lưu ý đây là những vùng đất tiềm năng lớn, rất hấp dẫn, ngay cả khi chưa có những ưu đãi của luật này. Đất ở 3 đặc khu hiện nay giá đã cao ngất ngưởng, và đã có chủ thuộc 2 loại chủ sau đây: đất của các nhà đầu cơ mua đất để chờ bán lại và đất của những nhà đầu tư đã tiến hành dự án thậm chí đã kinh doanh, khai thác hoặc đang chờ ưu đãi để triển khai dự án. Cử tri chờ đợi các đại biểu Quốc hội phân tích và trả lời chính xác câu hỏi: Chúng ta hy sinh với ưu đãi để được những lợi ích gì, bao nhiêu, và cho ai? Ngoài bài toán kinh tế, chúng ta sẽ được và mất những gì về văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng?” – Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các ý kiến thảo luận là hết sức tâm huyết, sâu sắc, góp phần cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục một bước nữa để hoàn chỉnh dự thảo luật để đảm bảo chất lượng của luật này. “Như chúng ta đều biết, đây là một luật mới, luật khó và chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nên tính phức tạp và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, đòi hỏi phải có nghiên cứu hết sức thận trọng” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.