Theo đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, về vai trò của từng chính sách tài khóa và tiền tệ trong gói: khi áp lực lạm phát và nợ xấu gia tăng thì vai trò của chính sách tài khóa cần trở thành chủ lực, còn chính sách tiền tệ chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ.
Về quy mô của gói: xét tình hình thực tế là nhiệm vụ giải ngân hết được vốn đầu tư công theo kế hoạch còn khó khăn, tình trạng tồn dư ngân quỹ quốc gia cao tại hệ thống ngân hàng mà không đưa lại được vào nền kinh tế; khả năng hấp thụ vốn của những lĩnh vực dự định hỗ trợ, đồng thời cũng xét tới mức độ chịu đựng và khả năng huy động vốn bổ sung của ngân sách Nhà nước, đại biểu cho rằng quy mô gói khoảng 347 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4% GDP, là nỗ lực cao nhất, tốt nhất có thể lúc này.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ |
Về thời gian, thời lượng và nhịp độ thực hiện của gói: đại biểu cho rằng gói sau khi được thông qua, cần triển khai ngay từ trước Tết Âm lịch và chỉ kéo dài tối đa 2 năm, kết thúc chính xác vào ngày 31/12/2023, trong đó tập trung cho năm 2022 để kịp thời hỗ trợ phục hồi kinh tế, sang năm 2023 nhiệm vụ chính là duy trì, củng cố các động lực phát triển. Căn cứ vào diễn biến bối cảnh trong và ngoài nước, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời cho phù hợp tình hình...
Về đối tượng trọng tâm thụ hưởng, đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi, khả năng hấp thụ của một số cấu phần như: hỗ trợ lãi vay qua ngân hàng thương mại 40 nghìn tỉ đồng; về thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi bổ sung qua Ngân hàng Chính sách xã hội 38,4 nghìn tỷ đồng; đặc biệt là về tăng cường đầu tư công cho hạ tầng giao thông chiến lược hơn 100 nghìn tỷ đồng, khi mà các lập luận, phân tích, đánh giá, nhận định trong Đề án chi tiết chưa thực sự thuyết phục...
Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh đến nội hàm cụ thể của việc chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa trong khuôn khổ gói hỗ trợ.
Theo đó, vấn đề quan trọng nhất, là chính sách tiền tệ cần hoàn thành tốt trọng trách của mình trong việc góp phần tạo lập và duy trì môi trường vĩ mô ổn định và điều kiện tài chính - tiền tệ thuận lợi cho chính sách tài khóa ngược chu kỳ phát huy tối đa hiệu quả...
Đây là nhiệm vụ khá khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước, xét trong bối cảnh áp lực lạm phát trên thế giới đang tiếp tục gia tăng, dự báo đạt đỉnh vào đầu 2022 và duy trì cao hơn giai đoạn trước Covid-19 cho tới cuối 2023...
|
Ở trong nước, áp lực tăng giá đầu vào liên tục và kéo dài tạo rủi ro lạm phát cao cho nền kinh tế khi nhu cầu hồi phục mạnh. Song hành cùng nhiều gói cứu trợ, hỗ trợ được triển khai trong suốt 2 năm 2020 - 2021, xu hướng tăng giá liên tục của các tài sản tài chính và bất động sản trong thời gian qua cũng góp phần làm tăng áp lực lạm phát trong năm 2022.
Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải cẩn trọng hơn trong hoạt động điều tiết cung tiền, đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc “trung hòa” dòng tiền kho bạc Nhà nước mỗi khi chúng được giải ngân mạnh vào nền kinh tế hoặc khi chúng được hút mạnh về từ nền kinh tế.
Sự phối hợp chính sách cần được thể hiện rõ trong việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng giá tốt thông qua cơ chế cấp bù lãi suất cho vay qua ngân hàng thương mại của Chính phủ, cũng như triển khai các gói cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, bắc cầu qua tổ chức tín dụng, để gián tiếp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp chọn lọc. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thống nhất các nhóm đối tượng, phạm vi và điều kiện được miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đồng thời được cơ cấu lại nợ vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, phí dịch vụ ngân hàng… để các biện pháp hỗ trợ riêng lẻ được cộng hưởng đồng chiều nhằm đạt hiệu quả dự tính.
Sự phối hợp chính sách cũng cần được thể hiện rõ trong việc hỗ trợ người dân thuộc diện được bảo trợ an sinh xã hội tiếp cận dòng vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội...
“Năng lực triển khai của các cấp, các ngành đối với từng cấu phần của gói, tuân thủ tinh thần Nghị quyết, sẽ quyết định hiệu quả cuối cùng của Chương trình” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.