Đại biểu Quốc hội: Nên mở rộng đối tượng tượng thụ hưởng giảm thuế ra doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tuyết Chinh - Khương Trung| 16/06/2020 14:20

(TN&MT) - Số lượng loại hình doanh nghiệp này chiếm tới 97%, đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế. Bởi vậy, đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đối tượng tượng thụ hưởng giảm thuế ra toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 16/6, sau khi nghe các đại biểu Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình, làm rõ một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quốc Khánh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, đây là một trong những giải pháp tài khóa mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh, đảm bảo phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Giảm 30% thuế cho DN năm 2020 không giải quyết được vấn đề thực sự

Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần mở rộng đối tượng thụ hưởng gồm cả doanh nghiệp vừa thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân giải thích, hiện Việt Nam có 760.000 doanh nghiệp, trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ, 4% là doanh nghiệp vừa và 3% là doanh nghiệp lớn, đóng góp rất lớn cho lao động và đảm bảo lớn nhất cho an sinh xã hội cộng đồng.

Nghị quyết lần này xác định là giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ có doanh thu không quá 50 tỷ, số lượng lao động không quá 100 lao động. Trong khi đó, tiêu chí xác định của doanh nghiệp nhỏ là doanh thu không quá 100 tỷ và số lao động đóng bảo hiểm xã hội không quá 50 lao động. “Như vậy, chỉ 50% số lượng doanh nghiệp nhỏ được hưởng cái nghị quyết này, thì tôi thấy không hợp lý”, đại biểu nêu quan điểm.

Theo ông Thân, việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 không giải quyết được vấn đề thực sự, mà việc giảm thuế cho năm 2019 sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với đại biểu đoàn Thái Bình, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cũng cho rằng nên mở rộng đối tượng tượng thụ hưởng giảm thuế ra toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi lẽ số lượng loại hình doanh nghiệp này chiếm tới 97%, đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) phát biểu tại nghị trường

Theo tờ trình của Chính phủ, nếu giảm tập trung cho doanh nghiệp nhỏ sẽ giảm thu ngân sách trên 17.000 tỷ đồng; nếu giảm thêm cả cho doanh nghiệp vừa sẽ giảm thu ngân sách thêm 22.000 tỷ đồng.

“Nếu năm 2020 doanh nghiệp không có doanh thu thì lấy đâu ra tiền để nộp thuế cho ngân sách mà giảm. Như vậy, thực chất nếu giảm cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến nguồn thu ngân sách”, đại biểu Phùng Văn Hùng nêu ý kiến.

Giảm thuế bảo vệ môi trường về xăng cho nhiên liệu bay của tàu bay

Giải trình về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, các giải pháp đồng bộ chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm. Riêng về tài khóa cũng đã có Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất; giảm 18 các loại phí, lệ phí, có những loại phí giảm rất sâu để góp phần ổn định thị trường; giảm trừ gia cảnh; giảm thuế thu nhập các nhân. Ngoài ra, Bộ cũng báo cáo với Chính phủ về giảm các loại thuế nhập khẩu, một số loại thuế khác đối với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, trong đó có việc hỗ trợ các công nghiệp phụ trợ, giày da, dệt may…

“Trong thời gian tới, sẽ trình Chính phủ giảm 50% thuế trước bạ của oto để khuyến khích sản xuất ô tô trong nước, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường về xăng cho nhiên liệu bay của tàu bay, đây chính là hỗ trợ các doanh nghiệp khác, thuộc diện tổn thương nặng, đặc biệt là hàng không”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ, việc khắc phục khó khăn do dịch phải thực hiện đồng độ các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, thủ tục triển khai phải đơn giản. Trong quá trình quản lý, Bộ sẽ tăng trường quản lý rủi ro, cần thiết vẫn phải thanh tra. Đảm bảo vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng khi cần thiết vẫn phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Nên mở rộng đối tượng tượng thụ hưởng giảm thuế ra doanh nghiệp nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO