Sáng 16/6, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quốc Khánh |
Tán thành với việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Lưu Thành Công cho biết, việc này phát triển từ Pháp lệnh về Bộ đội Biên phòng đã có hơn 20 năm qua.
Theo đại biểu Lưu Thành Công, cần quy định rõ trong dự thảo Luật các quy định về bảo vệ cột mốc biên giới, bảo vệ đường biên giới; cần bổ sung các quy định cụ thể về việc trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại như thế nào trong dự thảo Luật.
Đại biểu đoàn Vĩnh Long cũng đề nghị phân biệt rõ và ưu tiên tuyển dụng người địa phương vào lực lượng biên phòng, vì thực tế anh em những người ở địa bàn biên giới sẽ nắm địa bàn tốt, việc ngoại giao giữ gìn biên giới cũng sẽ tốt hơn.
Lý giải về đề xuất này, ông Công cho biết, biên giới khu vực phía Bắc đồng bào dân tộc nhiều hơn, họ sống bám địa bàn vùng biên cả ngàn đời nay, còn biên giới phía Nam đồng bào dân tộc ít hơn, có nhiều người kinh đông sống khu vực biên giới nên đề xuất dùng cụm từ “tuyển dụng cư dân khu vực biên giới thay vì đồng bào dân tộc”.
Đồng tình việc nâng cấp Pháp lệnh Biên phòng lên thành Luật Biên phòng, đại biểu Giàng Thị Bình (đoàn Lào Cai) mong muốn Luật sớm được thông qua để bảo vệ biên giới, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới trong tình hình mới.
Luật giúp cụ thể hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, chiến lược, nhiệm vụ bảo vệ biên giới và thể hiện đầy đủ, toàn diện nguyên tắc thực thi nhiệm vụ; góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh Biên phòng…
Đánh giá về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, đoàn Đồng Nai cho rằng, dự án Luật cũng sẽ là cơ sở pháp lý góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; phòng, chống có hiệu quả tội phạm, giữ vững ổn định an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, dự thảo Luật nên nói rõ các vấn đề hợp tác quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng; quan tâm công tác giáo dục pháp luật khu vực biên giới; công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, phân biệt nhiệm vụ biên phòng và nhiệm vụ bộ đội biên phòng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng…
Nhận định việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam thay thế Pháp lệnh Biên phòng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế đối với lực lượng biên phòng trong thực thi nhiệm vụ, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, với vị trí địa lý nước ta có đường biên giới trên bộ, trên biển dài nên cần thiết phải có Luật để thực hiện. Luật Biên phòng Việt Nam ra đời là việc làm cần thiết và hoàn thiện pháp luật của đất nước.
Tuy nhiên, đại biểu Thắng đề nghị xem lại tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam, vì nếu giữ nguyên tên dự thảo “Luật Biên phòng Việt Nam” thì phải bổ sung rất nhiều nội dung liên quan đến “xây dựng biên giới quốc gia, khu vực biên giới” và “chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng thực thi pháp luật ở biên giới”.
Do vậy, cần xem xét tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam trong sự thống nhất phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, như Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Hải quan, Kiểm ngư, Kiểm lâm… để tránh dẫn tới sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.