Đại biểu Quốc hội kiến nghị đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

29/10/2018 20:24

(TN&MT) - Từ ngày 26 - 29/10, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và về dự toán ngân sách Nhà nước và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Tại nghị trường, nhiều đại biểu đã kiến nghị đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng lược ghi các ý kiến của đại biểu.

toan canh phien hop qh chieu 29 10
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 29/10


Đại biểu NGUYỄN TUẤN ANH - (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An): “Cần tăng vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu”

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2017, cử tri cả nước, đặc biệt là cử tri khu vực ĐBSCL rất vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi khảo sát khu vực sông Hậu, vùng sạt lở ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và chủ trì Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại biểu NGUYỄN TUẤN ANH
Đại biểu NGUYỄN TUẤN ANH


Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Như một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu và trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội hôm khai mạc kỳ họp đã xác định tình hình sạt lở bờ sông, ven biển vẫn đang diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, nhất là ở ĐBSCL. Tuy vậy, cử tri cho rằng, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 120 còn rất chậm.

Tại Quyết định 1670 ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, vốn ngân sách Trung ương thực hiện cho chương trình này là 15.866 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 15.470 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 396 tỷ đồng. Việc xây dựng chương trình đã chậm nhưng tình hình phân bổ giao vốn đầu tư thực hiện cho chương trình còn chậm hơn.

Tiếp đó, về Chương trình Mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016 - 2020. Theo Quyết định 73 năm 2016, tổng kinh phí của chương trình là 4.648 tỷ đồng, tuy vậy, thực tế nguồn vốn trong Chương trình còn quá ít, tổng số nguồn vốn dự kiến bố trí cho Chương trình là khoảng 535 tỷ đồng, đạt 11,51%. Theo báo cáo số 5.486 ngày 5/10/2018 của Bộ TN&MT, đa số các địa phương không bố trí vốn cho các dự án của chương trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không có kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư các bãi rác.

Mặt khác, theo Báo cáo số 94 của Bộ TN&MT ngày 10/10/2018 về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII và Quốc hội khóa XIV về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, tính đến tháng 10/2018, mới xử lý xong  230/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Như vậy, việc thực hiện kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788, qua 5 năm mới đạt được 52%, trong khi mốc thời gian đến năm 2020 còn có 2 năm nữa.

Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn chỉnh chương trình hành động tổng thể. Thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong thời gian qua, chúng ta đã huy động được nhiều nguồn hỗ trợ ODA từ quốc tế cho ứng phó với biển đổi khí hậu nhưng nguồn lực huy động được chủ yếu hòa chung vào ngân sách để triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động khác do ngân sách Nhà nước còn khó khăn. Tôi kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng hệ thống tiêu chí phân loại về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và dần hình thành mục chi riêng cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong mục lục ngân sách sự nghiệp…

Đại biểu NGUYỄN VĂN SƠN - (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh): “Tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình xử lý nguồn thải”

Tôi đề nghị, Chính phủ cần quan tâm rõ nét hơn nữa trong đầu tư phát triển với đầu tư cho phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nhất là cần có những hệ thống nghiên cứu, dự báo, cảnh báo kịp thời những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu hết sức khó lường. Để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, cần dựa vào kế hoạch, lộ trình đầu tư trung hạn cho các công trình đê kè, sông biển, sạt lở núi, nhất là an toàn của hệ thống hồ đập, nhiều công trình đã xây dựng, khai thác sử dụng hằng mấy chục năm không có nguồn để duy tu, sửa chữa thường xuyên nay đã xuống cấp. Địa phương và nhân dân không cân đối nổi nguồn lực. Chính phủ cần quan tâm đầy đủ hơn trong kỳ đầu tư trung hạn sắp tới.

Đại biểu NGUYỄN VĂN SƠN
Đại biểu NGUYỄN VĂN SƠN


Hiện nay, các khu công nghiệp, làng nghề, đô thị và nông thôn đều được chú trọng để xử lý môi trường nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập còn tiềm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Chúng tôi tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình công nghệ, thiết bị để xử lý nguồn thải, bảo đảm cho môi trường nông thôn an lành và phát triển.

Cũng từ bài học đắt giá do sự cố của Formosa đối với môi trường biển, cử tri Hà Tĩnh gửi gắm qua nghị trường Quốc hội, đề nghị Chính phủ các Bộ ngành liên quan có quyết định sớm về việc dừng khai thác và tiện quặng mỏ sắt Thạch Khê. Thực tế hiện nay, dự án đang dang dở và không hiệu quả, gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường, đời sống và sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án.

Dự án khai thác và tiện quặng mỏ sắt Thạch Khê, Thạch Hà - Hà Tĩnh là một trong những dự án trọng điểm cấp quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh suốt mấy chục năm khảo sát, nghiên cứu và chuẩn bị. Tuy vậy, quá trình triển khai dự án thời gian qua còn nhiều bất cập, đó là quy mô dự án rất lớn, vị trí sát bờ biển, thời gian khai thác mỏ dài nhưng các báo cáo và trình tự thực hiện đầu tư xây dựng còn đơn giản, nhất là giải pháp kỹ thuật, giải pháp huy động nguồn vốn. Đặc biệt là đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội mới chỉ quan tâm đến tài chính của dự án. Các báo cáo đánh giá tác động về môi trường còn sơ sài. Đây là điều mà cử tri và nhân dân Hà Tĩnh hết sức lo lắng. Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT và Liên Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, nếu xử lý đầy đủ các vấn đề liên quan đến môi trường, dự án hiện nay không còn hiệu quả.

Trước những vấn đề nêu trên, tháng 12/2016, tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 5/2017. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng tháng 9/2017. Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2017. Các Bộ: KH&ĐT, TN&MT, Công Thương đều có Văn bản báo cáo Thủ tướng nhưng chưa thực sự đồng nhất về việc dừng dự án. Càng kéo dài ngày nào, càng gây khó khăn cho địa phương và nhân dân vùng dự án. Không được kiến thiết xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nhất là không thể xây dựng nông thôn mới theo phong trào chung của tỉnh, của cả nước. Là vùng biển đẹp mà không dám đầu tư cho hoạt động du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế cho nên đời sống nhân dân thực sự khó khăn. Tài nguyên quý giá chưa khai thác là của để dành cho con cháu. Khi đủ điều kiện, nguồn lực, công nghệ, thị trường, bảo đảm không đánh đổi môi trường thì chúng ta mới tiếp tục.

Đại biểu QUÀNG VĂN HƯƠNG - (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La): “Đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, nhất là mùa mưa lũ”

Cũng như năm 2017, mùa bão lũ năm 2018 đã gây thiệt hại rất lớn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Từ thực tế do thiên tai bão lũ gây ra và tình hình kinh tế - xã hội ở tỉnh Sơn La và các tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi đề nghị như sau:

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo kiên quyết, thường xuyên, bố trí nguồn nhân lực để các địa phương chủ động thực hiện 4 tại chỗ, hướng mạnh sang phòng ngừa thảm họa thiên nhiên, xây dựng đề án sắp xếp, ổn định dân cư theo phương châm "chung sống an toàn, thích ứng tối đa với sự thay đổi".

Đại biểu QUÀNG VĂN HƯƠNG
Đại biểu QUÀNG VĂN HƯƠNG. 


Đối với những nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, trong thời hạn, Chính phủ có các chính sách hỗ trợ giúp các tỉnh miền núi, hướng dẫn người dân chuyển từ trồng cây lương thực sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Liên kết sản xuất, hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, xuất khẩu các nông sản thế mạnh của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có các phương án đầu tư thêm để kết nối hệ thống giao thông vùng Tây Bắc, để bảo đảm giao thông thông suốt trong vùng miền núi trong mọi tình huống, nhất là mùa mưa lũ.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ và phát triển rừng ở các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khi triển khai các chính sách theo Luật Lâm nghiệp 2017, sớm điều chỉnh chính sách khắc phục sự bất cập về đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng đang có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương trong cùng một khu vực. Bố trí đủ kinh phí cho công tác trông nom, bảo vệ rừng và trồng rừng nhằm vừa tăng diện tích chất lượng rừng, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập từ nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, từng bước định hướng phát triển cho vùng miền núi với yêu cầu cao nhất là phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy được thế mạnh là rừng trở thành thành lũy giữ nguồn sinh thủ, bảo vệ cho vùng trung du và đồng bằng phát triển.

Đại biểu NGUYỄN QUỐC HẬN - (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau): “Sử dụng đúng mục đích nguồn vốn ODA cho biến đổi khí hậu”

Công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng tình hình nước biển dâng, sạt lở ở bờ sông, suối, sói lở bờ biển ở vùng ĐBSCL và vùng núi phía Bắc đang diễn ra hết sức phức tạp. Trong 9 tháng, đã có 64 người chết và mất tích, 42 người bị thương. Hàng nghìn hecta lúa, hoa màu, cây ăn trái và diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng và mất trắng, thiệt hại về vật chất ước tính hơn 8.800 tỷ đồng.

Đại biểu NGUYỄN QUỐC HẬN
Đại biểu NGUYỄN QUỐC HẬN


Với tác động ngày càng gay gắt và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn đối với đời sống của nhân dân nên tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ ưu tiên cao nhất trong phân bổ nguồn dự phòng chung, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016 - 2020, sử dụng 10.000 tỷ đồng không bố trí cho dự án chống ngập cho TP. HCM để đầu tư cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý sạt lở bờ sông, suối, bờ biển, phòng tránh khắc phục thiên tai trong phạm vi cả nước.

Tôi cũng đề nghị dành toàn bộ nguồn vốn ODA cho biến đổi khí hậu, sử dụng đúng mục đích, đúng nguồn, qua đó, cho phép tỉnh Cà Mau và một số tỉnh có liên quan được áp dụng cơ chế Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA để đầu tư cho xây dựng đê biển, xây dựng kè, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ, chỗng sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì đây là các dự án dân sinh công cộng không có khả năng sinh lời, ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA trong năm 2019.

Đại biểu NGUYỄN LÂM THÀNH - (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn): “Quản lý, sử dụng quỹ đất nông, lâm nghiệp chưa hiệu quả”

Hiện nay, trên cả nước tổng diện tích đất được giao sử dụng là hơn 9 triệu ha, trong đó, 745 tổ chức quản lý hơn 8 triệu ha, bao gồm, 116 Ban Quản lý rừng đặc dụng, 228 Ban Quản lý rừng, 401 Công ty nông lâm nghiệp, quản lý 2,2 triệu ha và hơn 1 triệu ha do các hộ gia đình, cá nhân của UBND xã. Triển khai Nghị quyết số 28, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 112 của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc, sắp xếp đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Đại biểu NGUYỄN LÂM THÀNH
Đại biểu NGUYỄN LÂM THÀNH


Qua giám sát của Hội đồng Dân tộc, nổi lên mấy điểm là công tác quản lý chưa giải quyết được đồng bộ và triệt để diện tích đất đai, hiện mới thực hiện rà soát, đo đạc cắm mốc thiết lập hồ sơ quản lý phần đất giữ lại của 252 Công ty nông lâm nghiệp với diện tích 2.018 nghìn ha đạt 22% tổng diện tích, mới có 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất, có tới 65,9% công ty chưa lập được phương án sử dụng đất hoặc chưa được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất phần giữ lại.

Việc chuyển đổi và xây dựng phương án sản xuất và quản lý, sử dụng quỹ đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực sự hiệu quả, một số công ty nông lâm nghiệp giữ lại diện tích quá lớn, hàng chục nghìn ha mà nguồn nhân lực lại mỏng. Các công ty nông lâm nghiệp sau rà soát, sắp xếp nhưng chưa thực sự đổi mới về mô hình tổ chức sản xuất và quản lý doanh nghiệp mà vẫn áp dụng hình thức cho thuê đất, giao khoán, cho mượn, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư hoặc sử dụng không đúng mục đích và không sử dụng đối với quỹ đất giữ lại. Thực chất vẫn là bình mới rượu cũ.

Việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng đất bàn giao về địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý, hiện, mới có 524.000 ha được xây dựng phương án sử dụng đất đạt 51,3%. Tỷ lệ đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân địa phương thiếu đất đạt thấp, khoảng 15%. Phần lớn trong số này là việc hợp thức hóa các diện tích đã được người dân sử dụng từ trước đây hoặc phần tranh chấp. Phần đất cấp mới thường ở xa, xấu không thuận lợi cho việc sản xuất.

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý tài chính đối với đất đai nông lâm trường còn nhiều bất cập, triển khai chậm, chưa làm hết quy định của chính sách. Có đơn vị sử dụng gần 40.000 hécta đất rất tốt nhưng mỗi năm chỉ nộp 900 triệu tiền thuê đất. Chính sách tài chính là điểm mấu chốt làm cho các công ty nông lâm nghiệp buông lỏng quản lý đất đai, cố tình giữ lại đất đai mặc dù nguồn lực lao động hiện tại hạn chế.

Từ tình hình trên tôi kiến nghị: Đối với các địa phương tiếp tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất, các công ty nông lâm nghiệp bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất của địa phương trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả chung về kinh tế - xã hội. Tiếp tục giải quyết đất cho đồng bào dân tộc thiểu số từ việc rà soát, sắp xếp quy hoạch lại đất đai đồng bộ. Một số điểm có thể hình thành các điểm dân cư mới cho đồng bào định cư gắn với việc sắp xếp bố trí lại dân cư, đối tượng thiếu đất;

Bên cạnh đó, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá về quy mô, đổi mới phương thức sản xuất và mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp của các công ty nông lâm nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai. Nhất là cơ chế tài chính, nâng định mức giá thuê đất, áp dụng triệt để phù hợp để tăng nguồn thu từ đất. Bố trí đủ nguồn lực cho công tác đo đạc, bố trí lại dân cư và tiến hành kiểm toán đối với các công ty nông lâm nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội kiến nghị đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO