Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 2 ngày thảo luận tại hội trường đã có 88 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 3 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và 5 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. Nhìn chung, nội dung thảo luận rộng, toàn diện và không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính phản biện khá cao.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và ghi nhận các kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc miền núi trong 3 năm qua.
Đặc biệt, Quốc hội đã chủ động ban hành kịp thời các chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016-2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khái quát phiên thảo luận thông qua các nội dung:
Thứ nhất, các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018. Đồng thời, bày tỏ sự vui mừng với những kết quả nổi bật đã đạt được đó là tăng trưởng kinh tế đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra trong 3 năm qua. Bình quân 3 năm đạt 6,57%, cao hơn giai đoạn trước chỉ là 5,91%. Riêng năm 2018, dự kiến đạt 6,7%, song cũng có khả năng chúng ta sẽ phấn đấu cao hơn mức này. Quy mô nền kinh tế đã tăng lên 1,33 lần so với năm 2015. GDP bình quân đầu người đạt 2.504 USD/người/năm… Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, dần chuyển dịch sang chiều sâu, năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng giữa các ngành và nội bộ ngành, nổi lên là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và du lịch. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân có bước cải thiện, giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin truyền thông đều có những tiến bộ đáng kể; Vấn đề môi trường được chú trọng hơn, hướng tới sự phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường sống…
“Có được thành công trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, sự cố gắng và quyết tâm cao của Chính phủ, của các cấp, các ngành và sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Thứ hai, bên cạnh kết quả đạt được thì nhiều ý kiến cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng. Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực, chưa được cải thiện rõ ràng. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế vẫn còn hạn chế nhất định.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, rác thải trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân.
Các ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như công tác bảo vệ rừng, việc chống sạt lở bờ biển, sông ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, phòng, chống thiên tai chưa đạt được hiệu quả cao. Việc phòng, chống dịch bệnh, quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh còn có mặt hạn chế, giáo dục đào tạo còn có một số bất cập, vấn đề lao động, việc làm, thu nhập của bộ phận người lao động cả ở thành thị và nông thôn còn khó khăn. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách cho người có công, chính sách giải quyết nhà ở còn nhiều vấn đề phải được giải quyết. Công tác xóa đói, giảm nghèo chưa được bền vững, việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc và miền núi, nợ chính sách đã ban hành cũng là những vấn đề được các đại biểu phân tích làm rõ…
Thứ ba, về thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong 3 năm qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng để triển khai các nghị quyết của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên nhiều lĩnh vực. Nhìn chung việc thực hiện các chính sách đã đem lại kết quả khá tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi từng bước được hoàn thiện, mạng lưới giáo dục, y tế đảm bảo, công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm, số huyện nghèo, số xã nghèo, số hộ nghèo giảm nhanh chóng. Mặc dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ, song nhiều đại biểu cũng cho rằng đây vẫn là vùng có khó khăn nhất so với mặt bằng chung của cả nước…
Một số ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều chính sách, song chưa thật sự tập trung đầu tư để khai thác các thế mạnh, lợi thế so sánh của vùng, một số chính sách liên quan đến đất ở, đất sản xuất, chính sách giao đất, giao rừng, dịch vụ bảo vệ rừng, nước sạch chưa được thực hiện tốt, còn tình trạng nợ chính sách.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để thực hiện trong giai đoạn tới theo hướng tích hợp các nội dung, chính sách thu gọn đầu mối quản lý, quy định rõ cơ chế, bố trí đủ nguồn lực để bảo đảm thực thi chính sách.
Thứ tư, về thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng trong 3 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã bám sát nghị quyết của Quốc hội khẩn trương, nghiêm túc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được quy định theo nghị quyết.
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng còn một số tồn tại cần được khắc phục đó là quản lý đất đai ở nông thôn tích tụ, xây dựng lực lượng sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn còn hạn chế. Việc phân bổ giao kế hoạch vốn còn chậm, mục tiêu trọng tâm các chương trình là nâng cao thu nhập, đời sống người dân chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Nhiều đại biểu tán thành giải pháp của Chính phủ và đề nghị tiếp tục bố trí đủ kinh phí để thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong 2 năm còn lại theo nghị quyết của Quốc hội. Quan tâm bổ sung kinh phí cho một số nhiệm vụ cấp bách thuộc lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội nhất là các địa phương có điều kiện khó khăn. Tăng cường khả năng tiếp cận chính sách của các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo...
Thứ năm, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 nhiều ý kiến thống nhất năm 2019 nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng năm 2018 với khả năng phục hồi của kinh tế thế giới và Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới. Nội lực nền kinh tế đã được củng cố khá vững chắc sau 3 năm 2016 -2018. Cùng với môi trường kinh doanh được cải thiện, tiếp tục tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những thuận lợi còn những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế đó là sức cạnh tranh còn thấp, độ mở lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước còn nhiều trở ngại. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chuyển biến chậm, việc áp dụng công nghệ mới nhất là công nghệ thông tin nền kinh tế số còn hạn chế. Công tác quản lý an ninh mạng cần tăng cường hơn.
Biến đổi khí hậu và thiên tai tác động xấu, ô nhiễm môi trường tiếp tục là những thách thức đối với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019. Sau khi phân tích thuận lợi và khó khăn đa số đại biểu cơ bản thống nhất mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019 như báo cáo chính phủ. Trong đó đề nghị Chính phủ bám sát nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Quốc hội tiếp tục thực hiện ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Đảm bảo tăng trưởng bền vững, có giải pháp khắc phục các thách thức của xu hướng bảo hộ và chiến tranh thương mại của một số quốc gia.
Biến đổi khí hậu, môi trường và những khó khăn nội tại của nền kinh tế tránh lạm phát và suy thoái chu kỳ. Cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng nền kinh tế tư nhân từ khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế.
Giữ gìn bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc, di sản văn hóa. Chú ý đầu tư hơn cho văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, chú trọng xây dựng gia đình là nền tảng của xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác xây dựng chính quyền và đổi mới hoạt động tư pháp.
Thứ sáu, về các giải pháp thực hiện để hoàn thành kế hoạch năm 2018 - 2019 và giai đoạn 2016 - 2020, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất cho các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2018 và kế hoạch năm 2019 - 2020 như báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bám sát nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, không thay đổi các mục tiêu Quốc hội đặt ra cho 5 năm và phấn đấu thực hiện ở mức độ cao hơn và hiệu quả hơn. Kính thưa Quốc hội, các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký kỳ họp ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.