Đại biểu Quốc hội băn khoăn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

24/11/2014 00:00

(TN&MT) - Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có hay không có hội đồng nhân dân (HĐND) 3 cấp là nội dung trọng tâm được các đại biểu Quốc hội quan...

   
(TN&MT) - Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có hay không có hội đồng nhân dân (HĐND) 3 cấp là nội dung trọng tâm được các đại biểu Quốc hội góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại phiên thảo luận tại Hội trường diễn ra sáng 24/11.
   
   
  Các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương. Việc ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương.
   
  Nội dung tổ chức chính quyền địa phương nhận được nhiều góp ý của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên cần thảo luận, cân nhắc thận trọng. Dự thảo đưa ra 2 phương án: phương án 1 ở đơn vị hành chính quận, phường chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND. Phương án 2: Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn.
   
  Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, việc có hay không có HĐND ở cấp quận phường phải căn cứ vào hiệu quả thực tế, tránh tình trạng chỉ có hình thức như ở một số nơi thời gian qua.  
   
  Theo đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), nên lựa chọn phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền vì đặc điểm dân đô thị đông nhưng chủ yếu là người nhập cư với các thành phần khác nhau, phong tục tập quán, văn hóa khác nhau, các liên kết dân cư và liên kết cộng đồng lỏng lẻo hơn dân cư ở các làng xã ở vùng nông thôn.
   
  Do đặc điểm lao động đô thị kinh tế chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ và hình thành các trung tâm thương mại, công nghiệp dịch vụ tài chính, ngân hàng cùng với mạng lưới hạ tầng khoa học kỹ thuật đan xen, xuyên suốt phi địa bàn. Việc phân định địa giới hành chính nội vùng đô thị chỉ có tính chất ước lệ, không có ý nghĩa về kinh tế, xã hội đầy đủ như ở vùng nông thôn.
   
  Tuy nhiên, một số đại biểu lại tán thành với phương án 2 của Dự thảo Luật. Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) nêu ý kiến, dự thảo Luật đưa ra phương án ở quận, phường không có HĐND, chỉ có UBND mà gọi là chính quyền địa phương là không đúng với khoản 2 điều 111 của Hiến pháp 2013 và không đúng với quy định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, thông qua Hội đồng Nhân dân và thông qua các cơ quan khác.
   
  Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề nghị: “Việc thiết kế chính quyền địa phương vẫn phải theo hướng tổ chức các cấp chính quyền gồm HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính như phương án 2 của Dự thảo là phù hợp. Mô hình này là đúng với nguyên tắc rất quan trọng của một thiết chế dân chủ là ở đâu có quyền lực, ở đó có sự giám sát quyền lực của nhân dân”.
   
  Tán thành phương án 2 Dự thảo Luật, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, các vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dự toán ngân sách của địa phương không do đại biểu Quốc hội, người dân địa phương quyết định mà do đại biểu của cả thành phố quyết định sẽ không tránh khỏi thiếu xót sâu sát với từng địa phương, thiếu tính khả thi.
   
  “Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính, là cấp quận, phường thì tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào? Việc giám sát hoạt động của UBND ở đó sẽ ra sao? Việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương có đảm bảo tính dân chủ không? Có sự khác nhau như thế nào về tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương khi cùng một cấp đơn vị hành chính nơi có HĐND, nơi lại không có tổ chức Hội đồng nhân dân” – đại biểu Trần Ngọc Vinh băn khoăn.
   
  Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng đề nghị bổ sung vào Điều 30 quy định "Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn ban hành chính sách bảo vệ môi trường". Bởi lẽ, đây là vấn đề cấp bách, phức tạp không kém các lĩnh vực khác. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã ở Điều 43, đại biểu cho rằng quy định còn khái quát, khó đánh giá hiệu quả hoạt động thực tiễn của HĐND cấp này và có khoản liệt kê nhiệm vụ nhưng chưa đầy đủ như Khoản 2, Khoản 4 và Khoản 6. Đại biểu đề nghị bổ sung các nhiệm vụ trong một số lĩnh vực quan trọng như tài nguyên môi trường, chính sách xã hội và một số điểm khác, thiết kế lại điều này cho thật đầy đủ và chặt chẽ hơn.
   
  Một số đại biểu như thẳng thắn nhận xét, cả 2 phương án đến thời điểm này đều chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng, đều cần tiếp tục cân nhắc kỹ, nếu lựa chọn phương án nào thì điều quan trọng cũng là phải tinh gọn, hiệu quả, phát huy được quyền dân chủ của người dân. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) phát biểu: “Một đạo luật mà còn tới 31 điểm cần lựa chọn phương án thì rõ ràng là cần cân nhắc kỹ hơn”.
   
  Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng cả hai phương án đều không phù hợp. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị chính quyền ở nông thôn theo lộ trình vẫn giữ ba cấp chính quyền. Chính quyền ở đô thị đã đến lúc phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn đặt ra, là một địa bàn hẹp, dân cư sống tập trung với những phát sinh hàng ngày của vấn đề dân cư rất lớn.
   
Nguyên Vũ
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội băn khoăn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO