Đại biểu quan tâm đến hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

21/10/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp 10, Quốc hội khóa  XIII, trong phiên thảo luận ở hội trường (chiều ngày 21/10) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đã có 16 ý kiến của các đại biểu quan tâm đến vấn đề này.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã nêu lên các vấn đề liên quan đến: Về thẩm quyền giám sát của Quốc hội; Về thẩm quyền giám sát của HĐND; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; Về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; Về giám sát của Thường trực HĐND; Về giám sát của Tổ đại biểu HĐND…

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 20/10/2015
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 20/10/2015

Ông Phan Trung Lý cho rằng, Điều 80 của Hiến pháp và Điều 32 của Luật tổ chức Quốc hội đã quy định người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. “Trong trường hợp chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn, đại biểu có thể chất vấn lại vấn đề mình quan tâm tại phiên chất vấn. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ về quy trình chất vấn, trả lời chất vấn và khi trả lời chất vấn bằng văn bản, người bị chất vấn phải trực tiếp mà không ủy quyền cho người khác trả lời” - ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Tham luận về vấn đề này, Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng) cho rằng dựa trên những quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành thì những đối tượng chịu sự chất vấn là chức danh cụ thể liên quan con người cụ thể. Theo đại biểu Nghĩa, không nên để tình trạng đại biểu chất vấn cấp trưởng thì lại ủy quyền cho cấp phó trả lời. “Dự thảo luật không điều chỉnh vấn đề này nên tôi đề nghị điều chỉnh theo hướng các chức danh chịu chất vấn không được uỷ quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội và HĐND chất vấn chức danh nào thì chức danh đó trực tiếp trả lời…” - đại biểu Huỳnh Nghĩa kiến nghị.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng cấp trưởng ở nhà mà cấp phó trả lời là vô lý. “Tôi từng dự phiên họp mà giám đốc sở đang ngồi dưới mà phó lên trả lời chất vấn. Luật này không quy định thì tất cả giao cấp phó hết. Do đó nên nghiên cứu quy định khi nào cấp trưởng vắng mặt mới được uỷ quyền cho cấp dưới” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đưa ra dẫn chứng và kiến nghị.

Đại biểu Dương Trung Quốc trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 21/10
Đại biểu Dương Trung Quốc trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 21/10

Trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 21/10 đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Người hỏi đã có sự lựa chọn người trả lời, thì nên tôn trọng sự lựa chọn đó theo cách ứng xử tối thiểu, ngoại trừ trường hợp người được chất vấn có lý do nào khác. Mặc dù vậy, bản thân người hỏi cũng nên đặt vấn đề cần thiết hỏi ai, chứ không chỉ hỏi người cao nhất. Có những việc chỉ cần hỏi bộ trưởng là đủ rồi, không nhất thiết phải hỏi đến thủ tướng. Đấy là do năng lực nhận thức của người chất vấn. Cái gì cũng “đá” lên trên chưa chắc là hay, tạo áp lực không phù hợp.

“Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến quyền năng, mà không đề cập năng lực của người chất vấn. Trong một trường hợp cụ thể, nếu không thỏa mãn về câu trả lời, thì khi đó người hỏi mới chất vấn cấp cao hơn nữa. Tôi cho rằng người hỏi phải biết hỏi ai, không phải lấy tiêu chí hỏi người cao nhất để thể hiện quyền lực. Không nhất thiết cái gì cũng phải hỏi thủ tướng, nhưng tất nhiên, có những việc chỉ có thể hỏi thủ tướng và thủ tướng phải trả lời. Điều quyết định một chất vấn là ở hai chiều. Lâu nay, chúng ta chỉ nghĩ một chiều đến quyền năng của người hỏi, ở đây là đại biểu Quốc hội. Vấn đề cốt lõi là người đặt câu hỏi phải biết chọn đúng người để chất vấn, để bật ra được vấn đề và sau đó giải quyết vấn đề một cách tích cực” – Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Ngày mai 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về các vấn đề: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên…

Bài & ảnh:Hải Ngọc - Châu Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu quan tâm đến hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO