Đại biểu hiến kế kiến tạo đất nước phồn vinh

Phương Anh | 28/01/2021 17:03

(TN&MT) - Kết thúc phiên thảo luận Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 28/1, đã có 13 đại biểu phát biểu ý kiến tham luận tại hội trường. Điểm nhấn là có nhiều ý kiến tâm huyết, đề cập nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển và xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

Quang cảnh Đại hội 

Kinh tế số - chìa khóa phát triển bền vững

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam.

Chuyển đổi số và ‘Make in Viet Nam’ sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm Make in Viet Nam tiếp cận với các thị trường ngoài nước. Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, dựa trên công nghệ mở, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới.

Hiện nay, Việt Nam là một thị trường của gần 100 triệu dân, có khả năng tiếp cận với thị trường ASEAN gần 600 triệu dân, thị trường RCEP hơn 2 tỷ dân và nhiều thị trường quan trọng khác. Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Tham luận đại diện cho Đảng bộ Bộ Công Thương, lĩnh vực trọng yếu chiếm tới trên 70% GDP quốc gia, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Chung quan điểm đề cao vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định: Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với mục tiêu này thì việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Lan tỏa kinh nghiệm phát triển kinh tế từ các địa phương

Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy là những cán bộ lãnh đạo giữ vai trò hết sức quan trọng, là người đứng mũi chịu sào đối với sự phát triển, thành công hay thất bại ở mỗi địa phương. Nhiều Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy đã tham gia phát biểu tham luận bày tỏ sự trăn trở, tâm huyết, sáng tạo để hiến kế cho Đảng lãnh đạo phát triển đất nước, với những giải pháp đột phá được đúc kết từ chính địa phương mình.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh

 Đơn cử, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nêu kinh nghiệm Quảng Ninh đã lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa học với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới; quản lý, công khai, giám sát thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo tính ổn định, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư.

Quảng Ninh đã bám sát 7 quy hoạch chiến lược, kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của Tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Với tâm là Thành phố Hạ Long được mở rộng địa giới, không gian phát triển sau khi nhập huyện Hoành Bồ tạo ra dư địa mới và nguồn lực mới với tầm nhìn dài hạn, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã còn nhiều khó khăn; hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Tỉnh và tuyến phía Tây.

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ

“Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN đổi mới sáng tạo không phải là một mục đích tự thân. Thực chất, đó là phương thức mà thông qua đó, người dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành và giành được lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình”. Đó là những chia sẻ của Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh.

Ông Mạnh cho rằng, các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh ứng dụng KH-CN không phải vì họ muốn vậy mà là họ bắt buộc phải làm vậy, nếu không đối thủ của họ sẽ đưa ra các sản phẩm tốt hơn, giá thấp hơn và sẽ lấy đi thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Như vậy, thể chế phát triển, ứng dụng KH-CN cần được khẩn trương hoàn thiện theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.

Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

Hướng ra biển và giàu lên từ biển là giải pháp mà Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi nhìn nhận từ thực tiễn Bến Tre. Theo đó, cùng với xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung phát triển kinh tế biển, từ kinh tế thuỷ sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến) đến phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, vận tải, du lịch, thương mại - dịch vụ, đô thị, ... trong bối cảnh BĐKH.

Định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể xem là một chiến lược biến “nguy cơ, thách thức” của BĐKH thành cơ hội phát triển bền vững. Đây là một không gian phát triển mới của Đồng bằng sông Cửu Long cần được quan tâm đầu tư để khu vực này thật sự hướng ra biển và giàu lên từ biển.

Tập trung quyết sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo và các đội tượng chính sách xã hội là một chủ trương lớn, xuyên suốt, là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành quả nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cho biết, báo cáo chính trị và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Trung ương trình tại Đại hội đã xác định mục tiêu cho giai đoạn tới là “Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5% hằng năm”, đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2030, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”.

Đối với tỉnh Yên Bái, nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025; trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trên 4,0%/năm, riêng hai huyện 30a giảm bình quân trên 5,5%/năm; đến năm 2025 huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo, ít nhất 40 xã đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới.

Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông A Pớt, Phó Bí Thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum

Còn ông A Pớt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum thông tin những năm qua, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn; trong đó tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Để thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho nhân dân các dân tộc thiểu số về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, đặc biệt là các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Quan tâm đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cấp xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, làng đạt chuẩn. Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh phong tràoToàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trong đó, tập trung bảo tồn các nghề truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng. Xây dựng các hình thức hoạt động thể dục thể thao quần chúng ở cấp cơ sở phù hợp với từng dân tộc, đối tượng và điều kiện cụ thể. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hệ thống viễn thông, phát thanh, truyền hình đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu hiến kế kiến tạo đất nước phồn vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO