Đại án 9000 tỷ: Phạm Công Danh vẫn khẳng định muốn cứu ngân hàng

17/01/2017 00:00

Trong phần nói lời sau cùng, cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) Phạm Công Danh khẳng định mình phải bỏ ra số tiền khổng lồ hàng ngàn tỷ để cứu VNCB chứ không dùng một đồng tiền nào từ ngân hàng này.

Sau nhiều ngày tranh tụng, chiều 17.1 phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm về những hành vi gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng bước qua phần nói lời sau cùng của các bị cáo.

Trong phần phát biểu của mình, bị cáo Phạm Công Danh nói tự hào vì được kế thừa thương hiệu Thiên Thanh, có nhiều đóng góp xây dựng đất nước. Với tư cách từng là Chủ tịch Thiên Thanh, VNCB, sở hữu nhiều tài sản, bị cáo Danh cho biết đã đi các nước học xem cách họ làm như thế nào để về xây dựng đất nước và mong muốn xây dựng Đại Tín thành ngân hàng chuyên phục vụ ngành xây dựng. Dù trong những năm 2011 - 2012, ngân hàng rất khó khăn, Đại Tín là một ngân hàng xấu nhất nước nhưng ông vẫn nhảy vào.

Phạm Công Danh
Phạm Công Danh

Bị cáo Danh cho biết đã phải bán nhiều tài sản của mình để cứu ngân hàng. Cụ thể ông đã bán hơn chục căn nhà với số tiền thu được hàng ngàn tỷ đồng. Ông khẳng định không lấy một đồng tiền nào từ Ngân hàng VNCB. “Tôi đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để cứu ngân hàng, hoàn toàn không lấy một đồng nào ra từ ngân hàng, nếu có thì đó là tôi đã lấy số tiền mà tôi bỏ ra từ trước đó”, bị cáo Danh nói.

Bị cáo Danh xin HĐXX xem xét lại bối cảnh xảy ra vụ án, đề nghị thu hồi các khoản tiền thất thoát để khắc phục hậu quả. Ông cam đoan nếu thu hồi thì sẽ khắc phục được hơn 70% hậu quả đã gây ra. Bị cáo này cũng đề nghị HĐXX xin miễn giảm tội cho thuộc cấp của mình tại VNCB cũng như các đồng nghiệp tại Tập đoàn Thiên Thanh bởi họ không tư lợi, vụ lợi và chỉ làm theo vì tin vào uy tín và năng lực của bị cáo.

Còn bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho biết không ngày nào thôi suy nghĩ về những gì xảy ra. Bị cáo cho rằng nỗi đau của bị cáo là không còn được làm việc, không còn được lao động, thực hiện hoài bão của mình. Ông đau lòng vì những người có tâm huyết đều trở thành bị cáo trong phiên tòa này. Càng đau lòng hơn khi thấy ngân hàng khó khăn thì nhiều khách hàng đã lợi dụng điều đó để trói buộc ngân hàng, mà ở đây cụ thể là ông Trần Quý Thanh.

Theo bị cáo Mai, để hậu quả như ngày hôm nay là do ông Danh phải gánh nặng các chi phí từ trên trời rơi xuống, các chi phí trả cho ông Trần Quý Thanh, việc chuyển giao tài sản từ nhóm Phú Mỹ sang nhóm Thiên Thanh không thành và ngân hàng liên tục bị lỗ, không doanh thu.

Bị cáo Mai đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các thuộc cấp của mình tại ngân hàng. Bên cạnh đó, bị cáo đề nghị HĐXX cho thu hồi số tiền là vật chứng của vụ án để khắc phục hậu quả.

Trong khi đó, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) chua chát nói: Trước khi vụ án xảy ra không ai biết bị cáo, nhưng khi xảy ra rồi thì bị cáo đã nổi lên như “nhân vật lịch sử”. Bị cáo đau đớn vì điều này, bởi “nhân vật lịch sử” này không giúp gì được cho xã hội mà lại làm hại, là gánh nặng của xã hội, liên đới gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng. Bị cáo cho rằng nếu có chủ tâm thì không có hình phạt nào có thể rửa hết được tội. Qua đây, ông đề nghị HĐXX làm rõ bản chất vụ án, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án.

Trong khi đó, các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên VNCB, các bị cáo là giám đốc các công ty làm thuê cho Phạm Công Danh cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, đồng thời thu hồi số tiền thất thoát để khắc phục hậu quả. Nhiều bị cáo cũng nức nở cho biết đang có nhiều hoài bão chưa thực hiện được, nên đề nghị HĐXX cho cơ hội để làm lại từ đầu.

Kết thúc phần phát biểu sau cùng của các bị cáo, HĐXX bước vào phần nghị án. Dự kiến ngày 24.1, tòa sẽ tuyên án.

Theo Dân việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại án 9000 tỷ: Phạm Công Danh vẫn khẳng định muốn cứu ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO