Hội thảo lấy ý kiến quy hoạch xây dựng cảng biển Đà Nẵng |
Xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ tác động đến nhiều mặt
Tại hội thảo, tổ tư vấn đã trình bày bản báo cáo về các ý tưởng quy hoạch chung TP. Đà Nẵng 2030 tầm nhìn 2045. Trong đó, vấn đề quy hoạch cảng biển Đà Nẵng, tổ tư vấn đề xuất chỉ nên mở rộng, phát triển cảng Tiên Sa, còn nếu xây dựng cảng Liên Chiểu thì đây sẽ là cảng chính cho hàng hóa và Logistics, cảng Tiên Sa sẽ bổ sung cho cảng Liên Chiểu và có chức năng chủ yếu là du lịch.
Tuy nhiên, tổ tư vấn cho rằng, nếu xây dựng cảng Liên Chiểu thì sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực như: tài nguyên sinh vật vùng vịnh Đà Nẵng; ô nhiễm môi trường; hoạt động du lịch; đời sống con người…
Việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ phải thực hiện một loạt các hoạt động nạo vét, khơi thông luồng, xây dựng đê chắn sóng,... Các hoạt động này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của các loại động vật thủy sinh, nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học, mất nguồn lợi khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Đồng thời, trong quá trình hoạt động nếu xảy ra sự cố tràn dầu, phát tán chất thải vào nguồn nước sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm vùng vịnh Đà Nẵng, ngược lên phía thượng nguồn sông Cu Đê, khu vực Hòa Bắc, Hòa Ninh.
Ngoài ra, ở khu vực phía Nam chân đèo Hải Vân với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như: Làng Vân, Bãi rạng Nam Ô, bãi biển Xuân Thiều … là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Việc hình thành cảng Liêu Chiểu sẽ kéo một lượng lớn tàu thuyền ra vào khu vực, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến và đi, các khu hậu cần phục vụ cảng,… Điều này có thể sẽ gây ra các tác động xấu đến hoạt động du lịch tại khu vực này. Việc hình thành Cảng nước sâu sẽ bắt buộc phải bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, bến bãi phục vụ cho hoạt động của Cảng. Công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ tác động đến đời sống của người dân nằm trong phạm vi giải tỏa.
Ông Nguyễn Minh Khang (áo trắng bên phải) - Giám đốc Công ty Cổ phẩn Tư vấn Xây dựng Cảng - Đường Thủy cho biết Đà Nẵng đã được đưa vào quy hoạch xây dựng cảng loại 1A trong quy hoạch cảng biển quốc gia |
Hoạt động của các phương tiện có tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa đến cảng và ngược lại cùng với việc tập trung một số lượng lớn người đến làm việc sẽ gia tăng nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Xây dựng cảng Liên Chiểu là nhu cầu tất yếu để phát triển
Tuy nhiên, theo các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia tại hội thảo thì việc xây dựng cảng Liên Chiểu là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và giảm áp lực cho giao thông đường bộ và cảng Tiên Sa.
Ông Nguyễn Minh Khang (Giám đốc Công ty Cổ phẩn Tư vấn Xây dựng Cảng - Đường Thủy) cho biết, Cảng Đà Nẵng đã được quy hoạch trong hệ thống cảng biển Việt Nam là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực loại 1 và được quy hoạch hình thành là cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực miền Trung loại 1A khi có đủ điều kiện. Hiện nay, chỉ có cảng Hải Phòng và cảng Vũng Tàu là loại 1A đang hoạt động và cảng Đà Nẵng đã được đưa vào quy hoạch cảng 1A trong tương lai.
Do đó, muốn cảng Đà Nẵng trở thành cảng 1A thì phải xây dựng cảng đủ lớn cho tàu trên 100.000 tấn cập bến, và có khả năng thu hút lượng hàng về đủ lớn. Đà Nẵng được đánh giá dự báo năm 2020 khoảng 12 triệu tấn và năm 2030 là 28 triệu tấn. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có kết nối hạ tầng đảm bảo (giao thông), các hạ tầng mềm (dịch vụ, kinh tế, bảo hiểm, giáo dục…) cũng phát triển là điều kiện để xây dựng một cảng biển lớn hạng 1A. Cảng Tiên Sa hiện nay, chỉ mới khai thác tàu 50.000 tấn là lớn nhất. Theo ông, dù xây dựng cảng Liên Chiểu hay phát triển cảng Tiên Sa thì vẫn phải nhìn nhận là cảng Đà Nẵng nói chung để có được quy hoạch phù hợp với đầu mối khu vực miền Trung.
Cảng Tiên Sa được đánh giá không đủ quy mô để cho lượng hàng hóa dự báo 28 triệu tấn vào năm 2030 |
Ông Lê Tấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần XDCT Hàng hải (CMB) cho rằng, trong báo cáo đề xuất, Tổ tư vấn chưa đề cập đến vai trò, tính chất, chức năng của cảng biển Đà Nẵng. Ông cho rằng vai trò, tính chất, chức năng của cảng biển phải được xem xét trong tổng thể quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, trên cơ sở đó mới hoạch định được quy mô phát triển cảng cho phù hợp. Ngoài ra, tổ tư vấn được đánh giá tính chất cao cả để mở rộng khu dịch vụ hậu cần cảng đảm bảo cho việc phát triển những vùng trung tâm kinh tế biển, hình thành được chuỗi cung ứng dịch vụ logictis miền Trung giữ vai trò trung tâm là Đà Nẵng phải đáp ứng lượng hàng thông qua vào khoảng 27,9 triệu tấn/năm đến năm 2030 và các năm tiếp theo như dự báo.
Ông Đạt phân tích phương án phát triển cảng Tiên Sa của tổ tư vấn còn nhiều bất cập. Tổ tư vấn đưa ra quy mô cảng Tiên Sa với chiều dài cầu tàu là 5.800m, số lượng cầu tàu 14 chỗ, 400m/chỗ, với phạm vi bao trùm toàn bộ vùng đất, vùng nước quốc phòng cùng các vùng có chức năng đặc thù lân cận, với quy mô này ông quan ngại không đáp ứng lượng hàng hóa cập cảng mỗi năm như dự báo và không đảm bảo mục tiêu an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, an ninh năng lượng, du lịch… chưa nói đến khu vực cảng Tiên Sa hiện nay rất khó để mở rộng.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, nếu cảng biển không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa thì gây sẽ sức ép cho giao thông các đường bộ làm gia tăng lượng xe cộ lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đồng thời, việc mở rộng phát triển cảng Tiên Sa cũng sẽ dẫn đến việc tăng số lượng người lao động và các loại xe cộ vận chuyển hàng hóa lưu thông trên tuyến đường ra vào cảng, điều này sẽ dẫn đến khả năng ách tắt và tai nạn giao thông rất cao.
Để nhanh chóng tìm được phương án phù hợp nhất, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đề nghị Tổ tư vấn nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch cảng biển để đưa vào quy hoạch chung của thành phố, sớm khẳng định nên quy hoạch cảng biển như thế nào? Ông cũng lưu ý Tổ tư vấn nên nhìn nhận cảng Đà Nẵng là một cụm cảng, là cảng cửa ngõ mang tính chất quốc tế đê xác định rõ tầm quan trọng của nó và tính toán phương án chính xác nhất. Ngoài ra, ông cũng đề nghị tổ tư vấn nên có đầy đủ dữ liệu, cơ sở lý luận trong các phương án đề xuất của mình để có tính thuyết phục đối với người dân và chuyên gia. “Bằng bất cứ đề xuất nào thì mục tiêu chúng ta đạt được cũng phải phục vụ, đây là cơ sở để chúng ta tạo ra động lực phát triển kinh tế mới cho địa phương, bởi vậy dù giải pháp nào, xây dựng cảng như thế nào thì cũng phải đạt được mục tiêu cuối cùng này”, ông Dũng nhấn mạnh.