(TN&MT) - Sau hơn 15 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, với tầm nhìn về tầm vóc một “đô thị đáng sống” ở Việt Nam, có thể hình dung một cách tổng quát trong 20 năm tới, Đà Nẵng sẽ là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Để biến Đà Nẵng từ một đô thị trẻ bị ảnh hưởng xấu về môi trường bởi quá trình đô thị hóa quá nhanh, trở thành thành phố xanh, sạch và thân thiện môi trường, tháng 10/2008, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”. Với sự chỉ đạo sát sao, tinh thần thực hiện quyết liệt, kế hoạch hành động cụ thể, Đà Nẵng đã và đang từng bước tiến đến mục tiêu đã đề ra.
Trong 20 năm tới, Đà Nẵng sẽ là một trong những thành phố hiện đại
Nhiều nơi được trả lại môi trường sạch hơn
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, từ giữa năm 2008 về trước, Đà Nẵng có gần chục điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Bao gồm các khu vực như Bãi rác Khánh Sơn, hồ Đầm Rong, hồ Đảo Xanh, các cống xả nước dọc bãi tắm Sơn Trà - Điện Ngọc, hệ thống nhà hàng ven biển, âu thuyền Thọ Quang, đặc biệt là nước thải, khí thải của các nhà máy ở các khu, cụm công nghiệp như Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, chế biến thủy sản Thọ Quang...
Trong 3 năm 2008 - 2010, chính quyền thành phố tập trung giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm với việc triển khai hàng loạt dự án dành riêng cho môi trường, hoặc lồng ghép các mục tiêu về xử lý ô nhiễm, bảo vệ và hồi phục môi trường. Hoạt động đầu tư, nhất là hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong thời gian gần đây cũng được xúc tiến mạnh mẽ, như GIZ, VPEG, Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên, Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng. Đấy chính là những cơ hội lớn, tạo đà cho thành phố từng bước hoàn thiện hạ tầng về môi trường trong quá trình triển khai đề án.
Cho đến nay, toàn bộ nước thải sinh hoạt chảy ra các khu vực nhạy cảm như dọc sông Hàn, một dải dài bãi tắm biển từ Xuân Thiều đến Thanh Bình, từ chân núi Sơn Trà về đến giáp Điện Bàn - Quảng Nam cơ bản được làm sạch, tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch, dịch vụ... Tại kỳ họp HĐND khóa 8 vừa qua, Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Đã tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, đầu tư cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước thải tập trung KCN dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang, KCN Liên Chiểu, kiểm tra tiến độ xây dựng và đấu nối nước thải của doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh (đạt 82%), Hòa Khánh mở rộng (87%), Hòa Cầm (93%). Đề án thu gom rác theo giờ đã đặt thùng tại 41 tuyến đường và 1 khu dân cư ở 5 quận nội đo, nhờ đó cảnh quan đô thị được cải thiện. Tổng khối lượng rác thải thu gom, xử lý trong năm lên đến hơn 260.000 tấn”.
Hiện nay, tại các KCN, công tác xử lý nước thải được thực hiện kiên quyết, các nhà máy đều phải có hệ thống xử lý ban đầu, đấu nối với hệ thống xử lý thải chung. Đà Nẵng cũng mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Ông Nguyễn Năm ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên cho biết: Thôn nằm ở cuối tuyến mương xả thải của khu CN Hòa Khánh mở rộng. Những năm trước, khu vực sản xuất của bà con không thể trồng cây vì ô nhiễm trầm trọng, nước thải đen ngòm, nồng nặc. Nay thì đã giảm hẳn mùi hôi, nước cũng trong hơn và khá sạch, cá tôm bắt đầu xuất hiện trở lại. Các hồ chứa ở trung tâm thành phố cũng được xử lý khá tốt, không còn là điểm nóng ô nhiễm, trong đó có các hồ lớn như đảo Xanh, 29 tháng 3, Thạc Gián - Vĩnh Trung, Đò Xu...
Tiếp tục xử lý những điểm nóng ô nhiễm
Một trong những điểm ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để hiện nay ở Đà Nẵng là KCN dịch vụ thủy sản và Âu thuyền Thọ Quang. Ông Phan Thanh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Minh Nghĩa than phiền: Gần đây, chúng tôi thực hiện rất nghiêm việc xử lý nước thải ban đầu và đấu nối vào hệ thống xử lý chung. Việc giám sát của cơ quan chức năng là chặt chẽ và thường xuyên, hiếm có doanh nghiệp nào “liều mạng” xả lén nước thải chưa xử lý ra môi trường như hồi trước. Như doanh nghiệp tôi, mỗi tháng riêng chi phí xử lý nước thải đã vài chục triệu. Thế nhưng, khu vực này vẫn cứ ô nhiễm. Cái này không còn là lỗi của doanh nghiệp chế biến, mà khu vực âu thuyền mỗi ngày có hàng trăm tàu cá vào ra, nhập hàng. Tất cả nước thải, chất thải đều đổ thẳng xuống vịnh biển thì làm sao không ô nhiễm.
Đồng quan điểm, ông Mai Mã, Giám đốc công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng phân tích thêm: “Sau khi công ty Quốc Việt (TP Hồ Chí Minh) đầu tư Nhà máy Xử lý nước thải tại KCN thủy sản Thọ Quang và chuyển giao cho chúng tôi quản lý, vận hành, hầu hết nước thải trong KCN này được xử lý đúng quy trình, tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, tại khu vực cảng cá, chúng ta chưa có giải pháp thu gom, xử lý nước và các chất thải khác từ tàu cá. Khu vực này lại chỉ có 1 cửa vào ra, nên tù đọng như trong ao, rất khó xử lý”.
“Để xử lý dứt điểm ô nhiễm ở khu vực này, thành phố đang đề xuất nâng cấp, cải tạo khu vực cảng cá, neo đậu, trong đó có cả hệ thống thu gom nước thải từ trên tàu, đưa về nơi xử lý trước khi trả lại môi trường, việc cải tạo cũng tính đến mở thêm cửa ra vào để nước lưu thông”. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết thêm.
Những kết quả của Đà Nẵng trong thực hiện đề án xây dựng thành phố môi trường được công nhận qua hàng loạt danh hiệu mà các tổ chức trong nước và quốc tế công nhận, mà gần đây nhất là Quỹ Rockefeller chọn Đà Nẵng là thành viên của Chương trình “100 Thành phố có khả năng phục hồi nhanh”. Chương trình này được đưa ra trong Diễn đàn Sáng kiến hàng năm của Quỹ được tổ chức lần thứ 3, với chủ đề “Xây dựng các thành phố có khả năng phục hồi nhanh”, do Quỹ Rockefeller tài trợ.
XUÂN LAM - PHƯƠNG TRẦN
Bài 2: Giữ mảng xanh trong lòng phố