Đà Nẵng: Tăng sức hấp dẫn đối với DN Nhật Bản

23/09/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 22/9, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức buổi đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,  tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI Nhật Bản. Những vấn đề vướng mắc liên quan đến đất đai, môi trường đô thị, nhân công và cơ sở hạ tầng… đã được lãnh đạo TP giải quyết thấu đáo.

Buổi đối thoại là diễn đàn để TP. Đà Nẵng và DN Nhật Bản tháo gỡ khó khăn, xúc tiến đầu tư thời gian tới
Buổi đối thoại là diễn đàn để TP. Đà Nẵng và DN Nhật Bản tháo gỡ khó khăn, xúc tiến đầu tư thời gian tới

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, lũy kế đến ngày 22/9, Đà Nẵng thu hút được 423 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,68 tỉ USD. Riêng trong năm 2015, doanh thu của các DN FDI trên địa bàn ước đạt 776 triệu USD, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 522 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 112 triệu USD, tăng 1,42 lần so với năm 2014.

Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có số dự án đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng với 112 dự án, tổng vốn đầu tư 397 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư trên địa bàn TP, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, CNTT và truyền thông. Các DN Nhật Bản cũng đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của Đà Nẵng, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30 ngàn lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

Mặc dù những đóng góp của các DN Nhật Bản vào sự phát triển của Đà Nẵng là rất đáng kể nhưng việc thu hút vốn FDI vào thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Và làm thế nào để tăng sức hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn là một điều trăn trở của chính quyền Đà Nẵng hiện nay.

Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra 23 kiến nghị, đề xuất tập trung vào các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, cơ sở hạ tầng; thủ tục hành chính, chính sách pháp luật; lao động và 10 góp ý liên quan đến cảnh quan đô thị, môi trường sống của TP. Đà Nẵng. Các vấn đề được nêu ra đều rất thiết thực và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi nhà đầu tư và đời sống hàng nghìn các bộ công nhân viên.

Các vấn đề này được các cơ quan chức năng có liên quan giải đáp thẳng thắn và cam kết giải quyết trong thời gian ngắn nhất đối với những tồn đọng. Cụ thể, với một số vấn đề được nhiều đại diện doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm như việc thiếu hụt các cơ sở mẫu giáo, mầm non quanh các khu công nghiệp, khiến nhiều lao động nữ phải nghỉ làm trông con, dẫn đến việc doanh nghiệp không đảm bảo được nguồn lao động, chính quyền thành phố cho biết hiện tại đang gấp rút triển khai đề án thay đổi công năng một số tòa nhà quanh khu công nghiệp để chuyển đổi thành nhà ở và nhà trẻ cho các cán bộ công nhân viên.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Lê Cảnh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP. Đà Nẵng đã giới thiệu một số cơ hội đầu tư mới tại thành phố và kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia. Trong đó đáng chú ý có Dự án Trung tâm Logistics đầu tiên của Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam với số vốn dự kiến 64,5 triệu USD, hình thức liên doanh với Công ty CP Cảng Đà Nẵng, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài có thể lên đến 50%, thời gian hoạt động trong 50 năm; dự án Khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi theo chuẩn Nhật Bản với số vốn dự kiến 95 triệu USD, hoạt động trong 50 năm; dự án Bệnh viện quốc tế với số vốn dự kiến 35-50 triệu USD, hoạt động trong 50 năm…

Tin & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Tăng sức hấp dẫn đối với DN Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO