Đà Nẵng: Những dòng kênh "chết" hành dân

20/10/2016 00:00

(TN&MT) - Nhiều dòng kênh hở trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện nay, đang ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Chính quyền Đà Nẵng đã vào...

(TN&MT) - Nhiều dòng kênh hở trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện nay, đang ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Chính quyền Đà Nẵng đã vào cuộc, có những biện pháp xử lý nhưng những dòng kênh “chết” vẫn “đầu độc” người dân.
 
Nhiều kênh bị ô nhiễm nặng, lượng khí mê tan rất cao
Nhiều kênh ô nhiễm nặng, lượng khí mê tan rất cao
 
Một đặc điểm chung của các dòng kênh ở Đà Nẵng là nằm giữa các khu dân cư, nguồn nước thải, nước mưa, bùn đều thải xuống lòng kênh, nhưng lâu năm không được nạo vét nên đáy kênh bị ô nhiễm nặng, lượng khí mê tan rất cao. Theo quan sát, hầu hết các dòng kênh đều bẩn, có mùi hôi. Theo ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng: Nhiều năm qua, cá tại một số dòng kênh đã chết do ô nhiễm nguồn nước như kênh Đa Cô, Phần Lăng.
 
Mới đây, tại Kênh Đa Cô (quận Liên Chiểu), cá chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân sống cạnh kênh Đa Cô cho biết, cá rô phi nổi trắng ngay tại một cửa xả, mùi hôi bốc lênh nồng nặc. Ngay sau đó, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã tiến hành xử lý hiện trường. Ghi nhận của chúng tôi, dọc kênh Đa Cô nước đen ngòm. Nhiều cửa xả nước thải chảy ra trào bọt trắng xóa. Dưới dòng kênh (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng xuống khu vực Nhà máy Coca Cô la) nhiều con cá rô phi lừ đừ.
 
Một số người dân cho biết, dòng kênh Đa Cô từ trước đến nay rất ô nhiễm. Ngoài dòng nước đèn ngòm được xả ra từ nhiều cửa xả khác nhau, rác cũng tràn ngập. Ông Mai Mã cho biết thêm, cá chết ở Kênh Đa Cô ban đầu được xác định là do thiếu ô xy. Lượng ô xy đo được tại khu vực cá chết rất thấp so với quy định. Ngoài việc nhiều cửa xả nước thải chưa qua xử lý đã xả trực tiếp xuống dòng kênh, những ngày vừa qua nắng mưa thất thường dẫn đến hiện tượng đảo bùn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt.
 
Ghi nhận của chúng tôi, ngoài Kênh Đa Cô ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều tuyến kênh hở khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng lâm vào tình trạng như vậy, đặc biệt là kênh Khe Cạn, Phần Lăng. Thực tế tại Kênh Phần Lăng (quận Thanh Khê) cho thấy, dọc tuyến kênh này ô nhiễm nặng. Trong đó, nặng nhất chính là hạ nguồn (đoạn từ đường Cù Chính Lan đến cầu Vượt Ngã ba Huế). Anh Dũng (ngụ đường Cù Chính Lan) cho biết, đoạn hạ nguồn kênh Phần Lăng luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng. Dưới dòng kênh, nước đen ngòm, đặc quánh, nhiều rác. Cuộc sống, việc kinh doanh buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn do ô nhiễm.
 
Cùng cảnh ngộ, người dân sống dọc Khe Cạn thuộc hai phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) và phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) thời gian qua cũng kêu trời vì ô nhiễm. Nhà ở sát bên cạnh Khe Cạn, suốt ngày đêm gia đình chị Thoa phải đóng cửa để hạn chế ô nhiễm. “Những ngày nắng, nước khe cạn bốc lên rất hôi. Còn những ngày mưa lớn vừa qua, rác trôi về đây, rất khó chịu. Cơ quan chức năng cần có những biện pháp căn cơ để giải ô nhiễm cho dân”, chị Thoa nói.
 
Trao đổi với PV, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, thời gian qua các kênh hở gây ô nhiễm do chưa xây dựng được cống bao nên nước thải chưa thể thu gom để xử lý. Bên cạnh đó, do ý thức của một số người dân trong việc xả rác thải nên rác tồn đọng tại các dòng kênh, nhất là tại Kênh Khe Cạn.
 
Để giải quyết tình trạng này, thành phố đang đầu tư xây dựng cống bao tại Kênh Phần Lăng. Thời gian tới sẽ đầu xây dựng kênh Khe Cạn để hạn chế ô nhiễm. “Khi các kênh được đầu tư cống bao, đậy nắp, nước thải sẽ được thu gom về để đưa về xử lý tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc. Hiện tại, để giải quyết tạm thời ô nhiễm, Công ty Thoát và Xử lý nước thải tiến hành xử lý bằng việc phun chế phẩm, vớt rác tại các dòng kênh, cạnh đó, trồng bè thủy sinh”, ông Mã cho biết.
 
Bài và ảnh: Xuân Hồng
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Những dòng kênh "chết" hành dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO