Đà Nẵng: Nhiều nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế, ổn định cuộc sống

06/05/2018 13:02

(TN&MT) - Được thành lập cách đây 1 năm, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn của TP. Đà Nẵng đã giúp cho không ít các nạn nhân bom mìn có được sinh kế ổn định cuộc sống, kiếm thêm nguồn thu nhập, không chỉ giảm được gánh nặng xã hội mà còn tạo thêm niềm tin cho các nạn nhân bom mìn.

Nhiều nạn nhân bom có cuộc sống ổn định nhờ được hỗ trợ sinh kế từ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn
Nhiều nạn nhân bom có cuộc sống ổn định nhờ được hỗ trợ sinh kế từ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn

Bác Võ Đức Hồng  là bộ đội chuyên nghiệp từ năm 1985 - 1991, trong lúc tăng gia sản xuất tại đơn vị đã bị chấn thương do bom, tuy nhiên vết thương lúc đó được xác định không có gì nghiêm trọng, chỉ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nhà vết thương do mảnh bom M79 gây ra mới càng ngày càng nặng khiến bác Hồng phải cắt bỏ 2/3 chân phải vào năm 2005.

Là lao động chính của cả nhà nhưng sức khỏe ngày càng sút kém, công việc nặng không thể làm được, bác Hồng chỉ biết dựa vào nguồn thu nhập từ tiệm cắt tóc nhỏ. Tuy nhiên, do không đủ dụng cụ, trang thiết bị cũng không được tân trang, tiệm tóc của bác chỉ được một vài khách lui tới, nguồn thu nhập của gia đình bác càng trở nên khó khăn. Qua thời gian khảo sát và tìm hiểu hoàn cảnh, Hội Hỗ trợ nạn nhân bom mìn TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ bác Hồng tân trang lại tiệm tóc. Với số tiền hỗ trợ 7 triệu đồng, tiệm tóc của bác Hồng đã sáng sủa và đầy đủ tiện nghi hơn nhiều. Bác Hồng cho biết, mặc dù là mua lại đồ cũ nhưng so với trước đây tiệm tóc của bác đã khá hơn rất nhiều, nhờ thế mà lượng khách cũng tăng lên nên thu nhập hàng tháng cũng khấm khá hơn, mỗi tháng tiệm tóc của bác cũng thu được trên 3 triệu đồng góp phần cải thiện cuộc sống gia đình rất nhiều. Không chỉ thế, sau khi hỗ trợ, Hội còn thường xuyên tới thăm hỏi, động viên bác rất nhiều.

Trường hợp bác Võ Đức Hồng là một trong số gần 500 nạn nhân bom mìn trên toàn TP. Đà Nẵng cần được hỗ trợ. Nhiều trường hợp không còn khả năng lao động đã trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Được thành lập trên tiêu chí mục đích nhân đạo, tấm lòng thiện nguyện để mang lại cuộc sống bình yên và phát triển cho nạn nhân bom mìn, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn TP. Đà Nẵng đã phần nào cải thiện cuộc sống, xây dựng niềm tin giúp các nạn nhân bom mìn hòa nhập xã hội.

Từ năm 2013 đến năm 2017, Hội đã hỗ trợ sinh kế cho 134 trường hợp với tổng số tiền 990 triệu đồng, riêng đầu năm 2018 đến nay hỗ trợ sinh kế cho 39 trường hợp với tổng số tiền 225 triệu đồng. Với những trường hợp không có khả năng lao động thì Hội hỗ trợ sổ tiết kiệm, còn lại tùy từng đối tượng Hội hỗ trợ vốn, giống vật nuôi, dụng cụ, trang thiết bị...

Với số tiền được hỗ trợ vợ chồng chị Trần Thị Tâm Hiền có thêm nguồn vốn để đầu tư cho công việc tạo thu nhập ổn định
Với số tiền được hỗ trợ, vợ chồng chị Trần Thị Tâm Hiền có thêm nguồn vốn để đầu tư cho công việc tạo thu nhập ổn định

Do số lượng nạn nhân bom mìn của địa phương còn nhiều mà nguồn lực tài chính Hội huy động được còn hạn chế nên để đảm bảo việc sử dụng nguồn tài chính của các nhà tài trợ đạt hiệu quả cao, Hội luôn đề cao và thực hiện phương châm ba đúng: đúng nguyên tắc, đúng đối tượng và đúng nhu cầu. Khi xác định danh sách nạn nhân cần được hỗ trợ, Hội cử cán bộ xuống gặp trực tiếp đối tượng nhận hỗ trợ để khảo sát và điều tra, xác minh về nhu cầu hỗ trợ sinh kế của nạn nhân. Sau khi hỗ trợ sinh kế, Hội phối hợp với địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, sử dụng công cụ được hỗ trợ cho nạn nhân đạt hiệu quả cao.

Chị Trần Thị Tâm Hiền (sinh năm 1964) ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng là nạn nhân bom mìn bị mất hẳn 1 chân và 1 chân bị thương nặng, ngoài việc kiếm tiền để nuôi gia đình và bản thân chị còn phải kiếm tiền để hàng tháng khám, chữa trị vết thương. Hai vợ chồng chị đều là người khuyết tật, cuộc sống rất khó khăn khi phải nuôi con đang học lớp 9 và mẹ già hơn 90 tuổi. Cả hai vợ chồng may mắn được thừa hưởng nghề làm vàng mã của gia đình nên vợ chồng cũng có được công việc ổn định. Tuy nhiên, do không có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư nguyên vật liệu cũng như phương tiện đi lại nên nguồn thu nhập của gia đình chị vẫn rất thiếu thốn.

Năm 2016, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn đã ghé thăm và khảo sát hoàn cảnh gia đình chị Hiền và quyết định hỗ trợ cho gia đình chị số tiền 12 triệu đồng để giúp gia đình mua nguyên liệu, vật tư và để chị mua 1 chiếc xe máy hỗ trợ việc đi lại giao hàng, bán hàng...

Chị Hiền cho biết, ngoài việc mua thêm được giấy để làm hàng mã, sắm 1 chiếc xe máy, số tiền được hỗ trợ chị còn dành để đi phẫu thuật vết thương ở chân. Trước đây, khi phát hiện vết thương đau nhức, chị đi khám bác sĩ có khuyên nên phẫu thuật nhưng vì kinh tế không đủ nên chị lần lừa mãi. Nhờ khoản tiền được hỗ trợ mà hàng hóa của vợ chồng chị có thêm nhiều mẫu mã, việc đi lại cũng thuận tiện và khỏe hơn rất nhiều so với chiếc xe lăn xưa nay.

Mặc dù nội dung hỗ trợ chưa được nhiều nhưng kịp thời, thiết thực hiệu quả đến với các nạn nhân bị tai nạn bom mìn đã góp phần động viên, giúp đỡ các nạn nhân và thân nhân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đại tá Trần Văn Nhật- Phó Chủ tịch thường trực Hội cho biết: Trong giai đoạn tới Hội sẽ cố gắng giải quyết hết những trường hợp còn lại để mọi người an tâm lao động, sinh sống.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Nhiều nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế, ổn định cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO