(TN&MT) - Đà Nẵng có 3 loại khoáng sản đáng kể là đá, đất đồi (dùng làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, nền nhà) và cát, sỏi dùng trong xây dựng. Trong thời gian qua, tình trạng khai thác cát, đất đồi và đá trái phép diễn ra rầm rộ, khiến các cơ quan chức năng phải bắt tay vào cuộc. Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương trực tiếp kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị khai thác trái phép trên địa bàn huyện Hòa Vang, tăng cường giám sát việc thăm dò, khai thác tại một số đơn vị được cấp phép, đảm bảo đúng vị trí, khối lượng, đảm bảo môi trường.
Nở rộ hoạt động khai khoáng “chui”
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng, hiện có 37 mỏ đá được cấp phép khai thác. Trong đó, 27 mỏ nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang, 7 mỏ nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu và số còn lại nằm ở quận Cẩm Lệ với tổng diện tích được cấp phép khai thác gần 226ha, trữ lượng khai thác mỏ hơn 41 triệu m3. Ông Nguyễn Điểu- Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết: Mặc dù tình hình hoạt động khai thác, kinh doanh và sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố được chấn chỉnh, nhưng do nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng các công trình ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng khai thác vật liệu xây dựng trái phép, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Trong thời gian gần đây, tình hình khai thác khoáng sản đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là hoạt động khai thác và vận chuyển đá đã làm phát sinh tiếng ồn, bụi… ảnh hưởng đến môi trường, gây hư hỏng các tuyến đường dân sinh. Kết quả thanh tra, kiểm tra định kỳ hằng năm cho thấy, các đơn vị khai thác khoáng sản vi phạm khá phổ biến các quy định như khai thác vượt độ sâu, khai thác ngoài khu vực được cấp phép, thực hiện không nghiêm túc hoạt động cải tạo phục hồi môi trường và chưa lập đề án đóng cửa mỏ theo đúng quy định.
Cũng theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, từ năm 2002 đến nay, Đà Nẵng chỉ cho duy nhất doanh nghiệp Minh Tân được khai thác đất sét tại Hoà Phú (huyện Hòa Vang), nhưng trong thời gian qua, có cả chục doanh nghiệp đua nhau đào mới, lật tung các cánh đồng đang trồng lúa để lấy khoáng sản. Sau nhiều năm cho khai thác cũng như diễn ra thực trạng làm lậu, huyện Hoà Vang vẫn chưa thống kê được các doanh nghiệp khai khoáng này đã đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách từ nguồn thu thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường... UBND huyện cũng chưa biết số tiền chi lại để phát triển nông thôn mới ở Hoà Phú từ nguồn bán đất sét là bao nhiêu.
Trong khi đó, nguồn cát xây dựng của thành phố chủ yếu khai thác ở phía thượng nguồn các sông Cu Đê, Túy Loan, Cầu Đỏ, đoạn sông qua địa bàn Hòa Xuân và Lỗ Đông. Việc khai thác thực chất là nạo vét lòng sông ở phía thượng nguồn. Do nhu cầu xây dựng ở thành phố rất cao, nên nguồn cát cung cấp chủ yếu vẫn do các cơ sở của tỉnh Quảng Nam cung cấp và nhiều cơ sở, cá nhân đã tổ chức khai thác cát trái phép trên các dòng sông, nhất là sông Túy Loan, Hòa Xuân gây sạt lở cho nhiều khu vực vào mùa mưa, đang là bức xúc của nhân dân. Theo Công an quận Cẩm Lệ, sau một thời gian ngắn ra quân xử lý việc hút cát trộm trên sông Quá Giáng tại khu vực dự án Khu E2 mở rộng - KDC Nam cầu Cẩm Lệ, Đội đã phát hiện, bắt quả tang 5 thuyền và 1 đề-pô khai thác, mua bán cát trái phép. Chỉ vì lợi nhuận quá lớn nên các chủ thuyền, tàu tìm mọi cách khai thác cát trái phép trên tuyến sông. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tác động xấu đến môi trường, xâm phạm trực tiếp đến các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn.
Chấm dứt toàn bộ hoạt động khai khoáng
Trước tình trạng khai thác khoáng sản chui diễn ra rầm rộ tại Đà Nẵng trong khoảng thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương trực tiếp kiểm tra, báo cáo tình hình về UBND thành phố. Theo đó, các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị khai thác trái phép trên địa bàn huyện Hòa Vang, tăng cường giám sát việc thăm dò, khai thác tại một số đơn vị được cấp phép, đảm bảo đúng vị trí, khối lượng, đảm bảo môi trường... Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan chấm dứt ngay việc cấp phép mới cho các DN, mọi cá nhân, tổ chức cải tạo vườn đồi, hạ thấp cao trình... để lợi dụng khai thác, vận chuyển đất đồi, cát, đất sét.
Trong những năm qua, việc khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập và để lại những hậu quả không tốt, nhất là làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường thành phố. Vì vậy, việc sớm có bản đồ khoáng sản và quy hoạch là việc làm cấp thiết hiện nay. Có bản đồ chi tiết (vị trí, trữ lượng, hàm lượng của các mỏ đá, đất đồi…) sẽ là cơ sở quan trọng để quy hoạch khai thác khoáng sản hợp lý (khu vực nào cấm khai thác, khu vực nào hạn chế khai thác và loại khoáng sản nào thuộc khu vực dự trữ quốc gia) vừa phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, vừa giữ được vẻ đẹp tự nhiên để phát triển du lịch theo định hướng của thành phố trong tương lai.
Hơn thế nữa, để ngăn chặn có hiệu quả việc khai khoáng trái phép, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa. Ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định, cần phải có thêm chế tài tạm giữ, tịch thu…
Bài & ảnh: Xuân Lam – Văn Hà