Các hạng mục do ngân sách đầu tư gồm mua sắm thiết bị và dụng cụ phục vụ công tác cứu hộ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tuyên truyền quảng bá, đầu tư tiện ích công cộng. Các hạng mục xây dựng cơ bản gồm công viên biển; xây dựng khu nhà tắm nước ngọt; bãi tắm đêm tại khu vực biển đường Nguyễn Chánh; nhà vệ sinh công cộng; kè, bậc cấp lên xuống vỉa hè; cây xanh; Hệ thống cấp điện, cấp nước. Các hạng mục xã hội hóa gồm trạm cứu hộ, dù màu trên bãi biển, quầy bán thức ăn nhanh - giải khát, phao màu cho thuê, ghế đá, khu ẩm thực, cụm thể thao giải trí biển, điện bãi tắm đêm…
Đề án nhằm thực hiện tốt công tác cứu hộ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan; phát triển các dịch vụ, tiện ích công cộng để thu hút khách nhằm làm sôi động tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành. Đồng thời, nhân rộng thành công mô hình quản lý và khai thác tại tuyến biển đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; quy hoạch dài hạn có tầm nhìn chiến lược, triển khai quy hoạch chi tiết và hình thành các phân khu chức năng, đầu tư cơ sở hạ tầng, phân kỳ đầu tư cụ thể để tạo sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư khai thác tiềm năng du lịch vốn có để làm phong phú các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch.
UBND TP.Đà Nẵng giao Sở Du lịch tổ chức, chỉ đạo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thực hiện Đề án; sử dụng kinh phí được bố trí đúng mục đích, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và thanh quyết toán theo đúng chế độ quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Sở Du lịch có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình UBND thành phố cân đối bố trí kinh phí thực hiện Đề án trong các năm 2018, 2019, 2020. BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tích cực huy động nguồn xã hội hóa để cùng tham gia đầu tư triển khai Đề án.