“Đi không được, ở không xong”!?
Người dân dọc con đường vào các mỏ đá tại thôn Phước Hậu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) luôn sống trong nỗi lo ô nhiễm từ không khí cho đến nguồn nước. “Mấy năm nay, sống chung với bụi bặm, tiếng ồn, xe chạy hằng ngày nhưng người dân không biết phải làm gì. Để hạn chế bụi, chúng tôi đã dùng lưới ngăn bao quanh nhà, nhưng chỉ cần vài phút là bụi bám đầy bàn ghế” - chị Lê Thị Ngà (thôn Phước Hậu) than thở.
Những trạm nghiền đá bụi khói ô nhiễm nằm sát đường dân sinh của thôn Phước Hậu |
Ông Nguyễn Năm, một người dân sống lâu nhất ở đây cho biết thêm: “Nhiều năm nay, người dân bức xúc, kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng tình trạng bụi vẫn không cải thiện. Nghiêm trọng hơn, khi xe chạy ẩu, không che đậy ảnh hưởng lớn đến an toàn của con em học sinh khi tham gia giao thông. Chúng tôi muốn đi cũng không được, mà ở cũng không xong”.
Theo tìm hiểu, ngay sát thôn hiện có 4 doanh nghiệp đang hoạt động, gồm: 2 doanh nghiệp khai thác đá (Công ty TNHH Huỳnh Đức May và Công ty TNHH Hoàng Khoa), trạm tập kết than Đông Bắc và cơ sở sản xuất gạch tuy-nen của Công ty Trọng Anh.
Riêng mỏ đá của DNTN Huỳnh Đức May (Công ty TNHH Huỳnh Đức May) nằm ngay trên đầu thôn Phước Hậu. Trưa nắng, nhưng đội ngũ xe ben, xe tải gần chục chiếc vẫn đều đặn ra vào chở đá. Đá được khai thác từ vách núi, đưa xuống xay, chế biến tại chỗ, dùng để trộn bê tông. Vì nghiền đá tảng lớn thành viên nhỏ nên ngoài tiếng ầm ào của máy móc thì công trường của DN này cũng mịt mù bụi đá cả một vùng.
Điểm khai thác, chế biến của DN này nằm sát ngay cạnh nhiều ngôi nhà của thôn. Những con đường lên mỏ đá bị cày xới nham nhở. Một người làm ở mỏ đá này, cũng là người dân Phước Hậu, nói: Đất ruộng hư hết, phần bồi lấp, phần hoang hóa nên tôi phải làm thuê ở mỏ đá.
Sát ngay bên cạnh mỏ đá của DNTN Huỳnh Đức May là điểm chế biến than của kho than Hòa Nhơn (thuộc Cty CP than Đông Bắc - Quảng Ninh). Hàng trăm tấn than đang được chất đống tại kho, trong khuôn viên hơn 1.600m2. Bao bọc quanh kho than này là các mỏ đá cùng những ngọn đồi đang được cày xới. Kho than chỉ nằm ngay cạnh đường dân sinh, cách những ngôi nhà của thôn Phước Hậu chưa đầy mấy chục mét.
Trạm tập kết than Đông Bắc (thuộc Cty CP than Đông Bắc - Quảng Ninh) gây ô nhiễm bụi và khói mỗi lúc gió lớn khiên người dân bức xúc |
Thiếu đất canh tác
Theo ông Lê Duy Anh - Trưởng thôn Phước Hậu, cả thôn có 75 hộ dân, đời sống người dân đa phần phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Khoảng 5 năm trước, cả thôn có 16ha đất nông nghiệp trồng lúa và các loại hoa màu, song đến nay chỉ còn hơn 5 ha đất có thể canh tác sản xuất. Nguyên nhân được xác định là do một số doanh nghiệp khai thác đất san lấp cho các dự án, rồi khai thác đá ngay sát bên đã làm bồi lấp, biến dạng phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân.
Trưởng thôn Phước Hậu Lê Duy Anh cho biết thêm, những năm trước, người dân địa phương vẫn có thể trồng lúa 2 vụ mỗi năm trên diện đất còn lại nhờ vào nguồn nước từ khe hố Dầu ở sát chân núi bên cạnh thôn. Nhưng từ khi việc khai thác đá của các doanh nghiệp nêu trên mở rộng, đã chặn lấp đường dẫn nước từ hố Dầu về khu vực đồng ruộng của bà con. Mất nguồn nước, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của thôn Phước Hậu chỉ còn trông chờ vào nước trời, chỉ có thể cấy được một vụ lúa vào mùa mưa, nhưng năng suất rất bấp bênh, năm được năm mất, đời sống người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Mỏ đá của DNTN Huỳnh Đức May (Công ty TNHH Huỳnh Đức May) nằm ngay trên đầu thôn Phước Hậu |
Hiện nguồn nước tự nhiên từ hố Dầu đã bị vùi lấp, người dân trong thôn 100% dùng nước giếng, nhưng mấy năm qua, mực nước giếng cũng tụt giảm, vào mùa khô hầu như giếng nào cũng cạn kiệt, đời sống sinh hoạt của nhân dân vô cùng khó khăn vì thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, lại phải sống trong bầu không khí bị ô nhiễm trầm trọng.
Khi được hỏi về vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như thiếu đất sản xuất và canh tác của người dân, một lãnh đạo xã Hòa Nhơn cho hay: UBND xã cùng các ban ngành và các doanh nghiệp vừa mới tổ chức họp, chúng tôi cũng đã đề nghị các doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, tuy nhiên việc khai thác đá, và các doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại địa phương đều được sự cấp phép của UBND TP. Đà Nẵng nên không thể yêu cầu họ dừng hoạt động được.
Bài & ảnh: Xuân Lam