Xã hội

Đa dạng các chính sách phát triển kinh tế đồng bào dân tộc tại Thừa Thiên Huế

Văn Dinh (thực hiện) 21/04/2023 - 15:25

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều chính sách hiệu quả để giúp người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Trăng – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

dtoc-hue-1.jpg
Ông Hồ Xuân Trăng

PV: Xin ông cho biết, các chính sách để giúp bà con vùng DTTS, miền núi hiện nay được thực hiện như thế nào?

Ông Hồ Xuân Trăng: Giai đoạn 2016-2022, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là Chương trình 135, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025; chính sách dành cho người có uy tín trên vùng đồng bào DTTS... Tổng kinh phí được giao là 259.530 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 157.252 triệu; ngân sách địa phương 6.698 triệu đồng; huy động khác 95.580 triệu đồng.

Gần đây nhất, Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện và các quyết định giao kế hoạch vốn. Trong năm 2022, tổng vốn được giao cho các đơn vị, địa phương là 129.180 triệu đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 93.550 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 35.630 triệu đồng).

dtoc-hue-2.jpg
Các chính sách đã giúp đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo

PV: Các chính sách đang giúp người dân vùng DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo cụ thể ra sao?

Ông Hồ Xuân Trăng: Trong những năm qua, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, đã xây dựng 96 công trình giao thông, 8 công trình nước sinh hoạt, 9 nhà sinh hoạt cộng đồng, 7 công trình thủy lợi và một số công trình khác. Có 4 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 165 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, 190 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; hoàn thành 7 công trình định canh định cư và khởi công xây mới 6 hạng mục công trình thuộc các điểm định canh định cư.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm (so với giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn giảm được 119 trường hợp tảo hôn, 22 trường hợp hôn nhân cận huyết thống). Nhiều hộ gia đình và cá nhân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Số lượng học sinh DTTS tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, tham dự các giải thể thao, các môn khoa học kỹ thuật... không ngừng tăng lên và đạt nhiều thành tích nổi bật. Kết quả trúng tuyển học sinh đồng bào DTTS vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng cao, năm học 2020-2021 có 168 em trúng tuyển ( năm 2010-2011 có 59 em).

Tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, cụ thể, huyện A Lưới tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 38,2%, huyện Nam Đông giảm còn 5,3%.

dtoc-hue-3.jpg
Chính quyền tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình kinh tế để tăng thu nhập

PV: Vậy những khó khăn đang gặp phải là gì và thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách như thế nào để giúp người dân miền núi, bà con DTTS phát triển kinh tế?

Ông Hồ Xuân Trăng: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, đó là kinh phí để thực hiện một số chính sách còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu của địa phương và đảm bảo thực hiện mục tiêu của chương trình. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông chưa được xây dựng đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu, gây hạn chế khả năng tiếp cận, truy cập và khai thác thông tin trên internet của đồng bào DTTS.

Một số ít cán bộ, công chức cấp cơ sở vẫn chưa thật sự chủ động trong công tác chỉ đạo, tham mưu thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Một số hộ gia đình vẫn chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, Luật trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình. Thiên tai, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con đồng bào DTTS, nhiều công trình đường giao thông bị hư hại, nhiều hộ gia đình thuộc diện phải di dời, ổn định dân cư tránh nguy cơ sạt lỡ, lũ quét.

Từ những kết quả đạt được và hạn chế nêu trên, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh cần bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để tập trung chỉ đạo, điều hành và phối hợp triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PV: Xin cảm ơn ông !

Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi (Nam Đông, A Lưới) và 3 huyện, thị xã có đồng bào DTTS (Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà). Dân số là người DTTS có 54.062 người, chiếm 4,9% so với dân số toàn tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng các chính sách phát triển kinh tế đồng bào dân tộc tại Thừa Thiên Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO