Xã hội

Đà Bắc – Hòa Bình: Tập trung nhiều giải pháp nâng cao đời sống cho hộ dân vùng núi

Bảo Hà 29/08/2023 - 16:37

Những năm qua, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp..., cấp ủy, chính quyền huyện Đà Bắc đã xác định thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, nhất quán trong việc điều hành và thực hiện, để có hiệu quả huyện đã xây dựng, triển khai các nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững.

Để đánh giá được chính xác hơn về công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2021 – 2025 của huyện Đà Bắc, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Hải, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

401-202308281917011.png
Ông Bùi Thanh Hải, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Pv: Xin Ông cho biết, trong những năm qua, huyện Đà Bắc đã thực hiện mục tiêu giảm nghèo như thế nào và đã đạt những kết quả gì cho đến thời điểm hiện nay?

Ông Bùi Thanh Hải: Xác định vai trò quan trọng của chương trình giảm nghèo bền vững, là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, các dân tộc và các nhóm dân cư. Đảng bộ, chính quyền huyện đã nỗ lực cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, các chính sách như: hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, ưu đãi giáo dục, ưu đãi tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... từng bước tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân, đã góp phần thực hiện một cách có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo.

Kết quả như đề án số 541/ĐA-UBND ngày 27/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo của tỉnh Hòa Bình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, huyện đã thực hiện hỗ trợ xây mới 1.247 nhà, sửa chữa 910 nhà. Ngoài ra, hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển kinh tế, năm 2022 Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc thực hiện cho 1.132 lượt hộ nghèo vay vốn với tống số vốn vay 175.751 triệu đồng; 637 lượt hộ cận nghèo vay vốn với tổng số vốn vay là 107.709 triệu đồng; 60 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn với tổng số vốn vay 39.747 triệu đồng…

Thông qua công tác tuyên truyền và thực hiện các chế độ chính sách đến tận hộ nghèo, nhìn chung, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân có tiến bộ hơn; tích cực tham gia các hoạt động, các khoá tập huấn,đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập. Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là những kết quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện trong giai đoạn tới.

401-202308281917013.png
Huyện Đà Bắc tập trung xây dựng các mô hình giảm nghèo như: Chăn nuôi bò, dê, lợn bản địa, trồng cây gai xanh, tre bát độ…

Pv: Để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao thì huyện cần ưu tiên tập trung vào khâu nào thưa ông?

Ông Bùi Thanh Hải: Đà Bắc là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Hòa Bình, có điều kiện tự nhiên tương đối đặc thù, có địa hình đồi, núi, sông, suối xen kẽ tạo thành nhiều dải hẹp bị cắt phá mạnh mẽ, do điều kiện tự nhiên, địa hình vùng núi cao chia cắt phức tạp kèm theo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thiên tai khó lường thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét đường sá đi lại khó khăn. Chính vì vậy công việc ưu tiên là xây dựng hạ tầng. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 huyện đã đề xuất từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tổng kinh phí nguồn ngân sách Trung ương đầu tư hơn 299,512 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng công trình trên địa bàn huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn nhằm liên kết vùng, xây dựng các công trình thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đồng thời, huyện sẽ tập trung xây dựng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, tập quán chăn nuôi của bà con nhân dân trên địa bàn như: Chăn nuôi bò, dê, lợn bản địa, trồng cây gai xanh, tre bát độ… liên kết chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn. Huyện đã ban hành các văn bản triển khai, giới thiệu các Công ty được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2022 và 2023 huyện đã hỗ trợ và đưa 26 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

401-202308281917012.png
Huyện đã ban hành các văn bản triển khai, giới thiệu các Công ty được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Pv: Vậy trong thời gian tới Đà Bắc có những giải pháp nào để tiếp tục duy trì kết quả đạt được của Chương trình cũng như xóa nghèo bền vững cho khu vực miền núi, thưa ông?

Ông Bùi Thanh Hải: Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, UBND huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo.

Làm tốt công tác xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo hằng năm, trong đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, vận động, khuyến khích hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, lựa chọn và dự kiến những hộ có khả năng thoát nghèo để tập trung ưu tiên hỗ trợ.

Tập trung sử dụng hiệu quả, kịp thời nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đồng thời lồng ghép các nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Để tiếp tục triển khai thực hiện cần huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao vai trò của người dân, đặc biệt là bản thân người nghèo là nhân tố quyết định đến sự bền vững của chương trình giảm nghèo. Ngoài ra, phải khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Pv: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Bắc – Hòa Bình: Tập trung nhiều giải pháp nâng cao đời sống cho hộ dân vùng núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO