"Cuộc sống cực khổ quá!"
Năm 2010, từ làng chài Vỹ Dạ, gia đình bà Lê Thị Úc chuyển về khu tái định cư thuộc tổ 15, khu vực 5, phường Phú Hậu. Lên đây, cũng như các hộ dân vạn chài khác, gia đình bà được mua căn hộ trên 40m2 với giá ưu đãi, trả góp trong vòng 30 năm, được hỗ trợ lãi suất 10 năm đầu.
![]() |
Sau 7 năm về tái định cư, gia đình bà Úc vẫn chưa thoát khỏi cuộc sống nghèo túng |
Có lẽ, với số tiền trên dưới 200 triệu đồng, lại được trả góp hàng chục năm sẽ chẳng phải là điều gì quá khó khăn đối với một gia đình có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Thế nhưng, nó quá sức với một gia đình chạy ăn từng bữa như nhiều hộ dân ở đây.
Chừng ấy diện tích, 7 con người trong gia đình bà Úc chui ra chui vào chật chội. Con cái bà Úc phải bán “cần câu cơm” là chiếc thuyền gỗ để làm thêm gác xép nằm ngủ.
Thuyền đã bán, nhà toàn người ốm yếu, người già… không có tấc đất sản xuất, gia đình bà Úc phải xoay ra kiếm sống bằng nhiều nghề như bán vé số, đi làm thuê... Vài người trong gia đình bà phải quay lại mò cua, bắt ốc, kiếm con tôm, con tép dưới sông đắp đổi qua ngày. Và cuộc sống rời xa sông nước, định cư trên bờ dù không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi nước nổi nhưng họ gặp muôn vàn khó khăn, quanh năm túng bấn, nhà cửa nhếch nhác.
Làm không ra tiền nhưng những khoản chi cho cuộc sống hàng ngày cứ tăng dần khiến gia đình bà càng thêm chật vật, bệnh tật không có tiền đi chữa trị.
“Sống dưới thuyền, mỗi tháng chỉ tốn vài nghìn đồng tiền mua nước uống; vài chục nghìn tiền điện thắp sáng mỗi tháng. Nhưng lên đây, nào tiền thu gom rác; tiền điện thắp sáng mỗi tháng vài trăm nghìn; tiền nước sinh hoạt trên dưới 100 nghìn… trong khi đồng tiền làm ra không đáng là bao; chỉ nhìn vào tấm vé số bán hàng ngày, đi làm công ngoài chợ, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Nếu biết thế này, gia đình tôi thà ở luôn dưới sông nước chứ lên đây, cuộc sống cực khổ quá", bà Lê Thị Huê, một người đàn bà bình thường hiếm hoi trong gia đình bà Úc cho hay.
Hộ gia đình Nguyễn Vương Mỹ - Nguyễn Thị Bé cũng có cảnh ngộ tương tự. Năm 2010, từ khi chuyển từ sông Bạch Đằng về tái định cư, vợ chồng, con cái anh Mỹ gồm 7 nhân khẩu chui vào chui ra ở căn phòng ở tầng 3 chung cư.
![]() |
Những đứa con nhà chị Bé bỏ học đi bán hàng kiếm sống |
Năm đứa con, đứa lớn 16 tuổi, đứa bé nhất 4 tuổi nhưng hiện chỉ có 2 đứa đến trường. Cũng như trước khi về tái định cư, mười mấy năm nay, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, “nghèo bền vững” dù đã làm đủ nghề, tìm đủ cách để thoát nghèo. Những đứa con thấy bố mẹ vất vả, chúng cũng “học đòi” lũ bạn nằng nặc bỏ học đi làm thuê phụ giúp gia đình.
“Một phần do túng thiếu nên có đứa bỏ học đi làm nhưng cũng có đứa học không vào nên nhất quyết nghỉ học. Chúng bảo, chỉ học để đếm được tiền, đi bán hàng là được rồi. Con không được đến trường, chúng tôi cũng xót xa lắm, cha mẹ đã không được học hành đến nơi đến chốn rồi.
Chồng ốm đau bệnh tật chỉ ở nhà trông được đứa con nhỏ, tất thảy những người còn lại, trừ 2 đứa đang đi học, làm thuê làm mướn, đi bán đậu phộng (lạc - PV) mỗi ngày cũng không kiếm nổi 150 nghìn đồng. Không đến nỗi đứt bữa, thiếu ăn nhưng tương lai mù mịt, lúc ốm đau bệnh tật không biết trông vào đâu…”, chị Bé nói như thanh minh cho sự thất học của mấy đứa con...
Trẻ em thất học
Cuộc sống người dân làng chài tái định cư phường Phú Hậu dường như không có lối thoát. Một người lạc quan như ông Nguyễn Văn Lượng, tổ trưởng tổ 15, khu vực 5, phường Phú Hậu cũng cho rằng, còn lâu người dân tái định cư mới thoát khỏi cơn bĩ cực. Cả khối có 208 hộ thì đã có 25 hộ nghèo và 51 hộ cận nghèo, những hộ còn lại, dù không “được” xếp vào hạng nghèo nhưng chưa hẳn đã thoát khỏi cuộc sống chạy ăn từng bữa.
![]() |
Người dân tái định cư sống trong môi trường ô nhiễm |
“Các hộ về đây không có đất sản xuất, họ sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng đa phần là đạp xích lô, bán vé số, làm cửu vạn, đi bán hàng thuê ở chợ đầu mối. Một vài hộ tận dụng mặt bằng tầng 1 để buôn bán nhỏ nhưng thu nhập không đáng là bao, cái nghèo vẫn bám riết lấy cuộc sống người dân làng chài. Nhưng điều đáng lo lắng nhất là việc lũ trẻ bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ rất phổ biến. Trường học sát khu tái định cư nhưng bọn trẻ thất học nhiều lắm!
Chúng tôi cũng không thống kê cụ thể nhưng trong số khoảng 150 - 200 cháu đang độ tuổi đến trường thì chỉ 45 - 50 cháu được đi học. Không chỉ hộ cận nghèo, hộ nghèo cho con cái nghỉ học mà hộ không thuộc đối tượng này con cái cũng không được học đến nơi đến chốn. Khối có chưa đến 30% trẻ độ tuổi đến trường tốt nghiệp tiểu học; số học đến lớp 7 - 8 rất ít; học hết THPT thì khoảng 10 - 15 cháu.
Các hộ cho con nghỉ học đi làm, xã, tổ đã tổ chức vận động để các cháu được đến trường nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn cho con nghỉ học giữa chừng”, ông Lượng cho biết.
Ông Lượng cũng cho biết thêm, khối hiện có khoảng 100 hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền khoảng gần 2 tỷ đồng. Trong số này chỉ có 13 hộ sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Đa phần các hộ đều phải đảo nợ, vay lại chứ không đủ tiền trả. Những món nợ cứ lớn dần, không biết đến khi nào mới trả xong?
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoại trừ những hộ tái định cư mua nhà ở theo hình thức căn hộ liền kề, nhờ có mặt bằng, người dân xoay ra buôn bán, cuộc sống đỡ vất vả. Còn lại, hầu hết các hộ mua chung cư ở phường Phú Hậu cũng như Hương Sơ đều phải sống cuộc sống quanh năm túng thiếu.
![]() |
Những đứa trẻ làng tái định cư đối mặt nguy cơ thất học |
Tại chung cư Hương Sơ cách phường Phú Hậu vài cây số, hiện nay các căn hộ đã xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau 4 năm bàn giao đưa vào sử dụng. Nhà thầu, chủ đầu tư khắc phục lấy lệ, chung cư trở nên nhếch nhác, người dân hết sức bức xúc.
Ông Lê Kim Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Sơ, cho biết, theo kết quả điều tra, khảo sát cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của phường là 5,1%, tương đương với 149 hộ. Trong đó, người dân làng chài về tái định cư chiếm gần 50% với 71/149 hộ.
Năm 2015, tổ 15, khu vực 5, phường Phú Hậu có 27 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo; năm 2016 và 2017, số hộ nghèo ở khối giảm xuống còn 25 hộ, số hộ cận nghèo là 51 hộ. Tuy nhiên, nhìn vào những đứa trẻ, nhìn vào sự nhếch nhác của khu tái định cư, con số điều tra, thống kê trên có lẽ chưa nói lên được điều gì. Cán bộ tổ cũng thẳng thắn, nhiều hộ được “thoát nghèo” nhưng thực chất họ vẫn còn rất nghèo, tuy chưa đến mức đứt bữa. |
Theo nongnghiep