Cuộc sống có ý nghĩa

PGS,TS Nguyễn Bá Dương| 30/09/2021 09:29

(TN&MT) - Ngày quốc tế người cao tuổi (NCT) 1/10 là Ngày hành động quốc tế do Liên Hợp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ NCT trong các nước thành viên và được tiến hành đầu tiên vào năm 1991 nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến NCT như quá trình lão hóa và việc lạm dụng NCT. Đây cũng là Ngày để đánh giá cao những đóng góp mà NCT đã làm cho xã hội.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê đến năm 2019, gần 60% NCT hiện nay trong độ tuổi từ 60 đến 70 tuổi. Nếu những năm đất nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu, tuổi 40, 50 được phong “lão” thì con số đó đã nhích dần lên và tại thời điểm hiện nay, 40 tuổi là độ tuổi đương xuân, còn nhiều người ở tuổi 70 thì vẫn được đánh giá là trẻ, khỏe.

Chất lượng sức khỏe dân số tăng lên đồng nghĩa với chất lượng đời sống tinh thần cũng như khả năng đáp ứng cuộc sống hiện đại cũng tăng lên. Song song với nhận định NCT ở Việt Nam hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa về sức khỏe, tinh thần thì các nghiên cứu xã hội học cũng chỉ ra rằng, một bộ phận NCT đang có xu hướng thích nghi với công nghệ internet, tập trung ở vùng thành thị. Nhiều NCT đã tham gia vào các mạng xã hội mang yếu tố tương tác như facebook, zalo; một số đã sử dụng app làm đẹp các bức ảnh của mình trước khi đưa lên tài khoản cá nhân. Trong số họ, nhiều người đã chọn cách sống “xê dịch” (tham gia các hoạt động xã hội, đi du lịch…) thay cho ở tại nhà. Cá biệt, một số NCT đã dám sống cho bản thân bằng việc ly hôn người bạn đời sau rất nhiều năm chung sống không hòa hợp. Nhà dưỡng lão cũng đang là một xu hướng lựa chọn đối với NCT…

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ở mặt bằng chung, cùng với trẻ em thì NCT vẫn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động mọi mặt của xã hội và tự nhiên; là nhóm thường nhận sự đánh giá chưa tương xứng, thậm chí bất bình đẳng trong xã hội; đôi khi trở thành đối tượng bị lạm dụng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong các chương trình hành động về người cao tuổi, Liên Hợp Quốc thường đặt ra các vấn đề: Hành trình bình đẳng tuổi (2019), Đứng vững chống phân biệt tuổi tác (2016), Bước vào tương lai: Khai thác tài năng, đóng góp và sự tham gia của người cao niên trong xã hội (2017) và 2020 là Đại dịch: Chúng có thay đổi cách chúng ta giải quyết vấn đề tuổi tác và lão hóa không?

Cũng không phải ngẫu nhiên trong đại dịch Covid-19, vắc-xin được Việt Nam ưu tiên cho độ tuổi từ 65 trở lên và hiện đang được mở rộng độ tuổi xuống 50. Động thái này là một quả quyết rằng, dù thế nào đi chăng nữa thì NCT vẫn là nhóm cần được chú trọng về sức khỏe. Ở hướng nhìn tích cực khác cho thấy, NCT ngày càng được xã hội quan tâm hơn mà ưu tiên vắc-xin chỉ là một ví dụ.

Đại dịch đã nâng chỉ số già hóa dân số của thế giới tăng cao hơn, bộc lộ sự thụ động của con người trước những tác động mang tính càn quét của tự nhiên, vì vậy có thể xem đây là một lời cảnh báo về sự cần thay đổi tư duy, lối sống của xã hội, nhất là đặt tâm điểm chú ý vào nhóm dễ bị tổn thương là người già và trẻ em.

Không nằm ngoài quy luật chung của tự nhiên, tuy nhiên, Việt Nam, với đặc thù quan hệ xã hội và nếp gia đình mang đậm văn hóa Á Đông, NCT được đặt trong một “tầm kiểm soát” nhất định và nếu như có rủi ro xảy ra thì hậu quả không quá nặng nề.

Cũng xuất phát từ mối quan hệ gắn bó “đồng đường”, việc lạm dụng NCT là có, thường biểu hiện ở các hành vi mang tính chất công việc nội trợ, trông trẻ, lấn át quyền tự quyết… Tuy nhiên, khái niệm “lạm dụng” không được số đông NCT ở Việt Nam đồng tình.

Thực tế cho thấy, bên cạnh nhóm NCT vui vẻ tự nguyện giúp đỡ con cháu việc nội trợ thì số NCT lựa chọn cho mình các xu thế sống độc lập đang được con cháu tôn trọng quyền tự quyết. Nhiều NCT trong số cả 2 nhóm trên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xem đó là cách để khẳng định giá trị bản thân.

Đó là cách để họ mãn nguyện, hài lòng với bản thân mình, tô điểm cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc sống có ý nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO