Để đến được xã Chiềng Hoa, đoàn tập trung tại bến bến Tạ Bú, nơi đó có những chiếc xà lan neo đỗ. Cạnh đó, một chiếc cầu treo bắc ngang qua, quang cảnh nơi đây rất hiền hòa, không ai còn nhớ rằng cách đây một tháng nơi đây chứng kiến một trận lũ lụt lịch sử. Còn giờ đây, đang cuối mùa lũ, nước sông Đà (Đà Giang) đục ngầu cuồn cuộn chảy.
Chiếc xà lan chở đoàn chạy xuôi dòng Đà Giang, hai bên núi dựng, những vạt ngô đang phủ dần màu xanh lên những những sườn núi đang ngày càng bạc do thói quen canh tác đốt nương làm rẫy bao đời nay của bà con dân tộc. Dọc hai bên bờ sông, bờ suối, những nóc nhà thưa thớt của đồng bào được dựng chênh vênh hai bên bờ, lúp xúp, nhỏ bé đơn giản, như chính cuộc sống của họ vậy. Và, chúng tôi không dám tưởng tượng nếu như dòng Đà Giang nổi giận, cuộn lên con sóng dữ thì những ngôi nhà kia sẽ trôi về đâu?!
Những ngôi nhà chênh vênh bên dòng nước lũ này sẽ không bảo đảm được tài sản và tính mạng mỗi khi nước lũ về |
Sau gần 1 tiếng đồng hồ đi trên sông, đoàn mới đến được trung tâm xã Chiềng Hoa, nhờ có chính quyền xã thông báo giúp, bà con đã tập trung đông đủ tại ủy ban xã để đón nhận những tình cảm của đồng bào dưới xuôi lên thăm.
Cơn lũ quét lịch sử đã trôi qua hơn một tháng nhưng những dư âm, hậu quả, nỗi đau của nó gây ra vẫn còn gieo rắc, vương vệt trên khuôn mặt những người dân. Đại diện đoàn thiện nguyện, Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty HD SAISON cho biết: Hiểu được những vất vả, khó khăn mà bà con phải hứng chịu, các cán bộ công nhân viên công ty đã tự nguyện đóng góp một phần nhỏ tình cảm của mình để chia sẻ bớt nỗi đau mà lũ lụt đã tàn phá. Với tâm nguyện “Hành động là yêu thương”, tập thể nhân viên HD SAISON xin gửi tới toàn thể bà con nhân dân những phần quà nhỏ được quyên góp từ những ngày cơm thường nhật của chính mình với mong muốn bà con Tây Bắc sớm vượt qua đau thương, ổn định cuộc sống vì một tương lai tươi sáng hơn."
Ông Nguyễn Đình Đức trao tặng quà cho bà con dân tộc bị ảnh hưởng bão lũ |
Đoàn HD SAISON đã trao trực tiếp tận tay những phần quà tới các hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau cơn lũ lụt, với 67 phần quà cho bà con xã Chiềng Hoa và 29 phần quà cho bà con thị trấn Ít Ong, với tổng số tiền mặt là hơn 200 triệu đồng.
Niềm vui hiện trên khuôn mặt của bà con nơi đây với nghĩa tình của người miền xuôi, nhưng vẫn hiện lên vẻ đượm buồn bởi lo lắng trước những bế tắc của cuộc sống trong tương lai. Ông Cà Văn Quanh, bà Lò Thị Quê, bà Lò Thị Riêng cho biết, được đón đoàn dưới xuôi lên họ rất vui, vui vì những tình cảm, vật chất mà đồng bào dưới xuôi chia sẻ với sự khó khăn của bà con... Nhưng rồi đâu đó vẫn có tiếng thở dài, bởi cuộc sống nơi đây còn quá khó khăn, bấp bênh, tạm bợ.
... đến chênh vênh chuyện lập nghiệp
Được biết, những hộ dân bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa đều dựng nhà ven sông, ven suối, bởi do thói quen truyền đời bao năm nay. Trao đổi với phóng viên báo TN&MT về việc di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, ông Hoàng Văn Thưa - Chủ tịch xã Chiềng Hoa cho biết, hiện nay UBND Huyện Mường La cũng đã có chủ trương hỗ trợ mỗi hộ dân di dời khỏi nơi ở cũ thuộc vùng ảnh hưởng lũ là 20 triệu đồng để xây nhà tại chỗ mới. Chính quyền xã cũng đã có vận động, tuyên truyền bà con thấu hiểu, thay đổi, đến nơi cư trú mới an toàn hơn để có thể an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn có những hộ chưa thay đổi và nhận thức đúng những chính sách của Đảng, Chính quyền đưa ra, do thói quen, nếp cũ đã ăn theo suy nghĩ của họ bao đời nay.
Những hình ảnh tang thương sau khi cơn bão đi qua, cuốn băng tất cả những bao năm bà con xây dựng |
Bên cạnh việc thay đổi nơi sinh sống, những người dân nơi đây sống chủ yếu là trồng ngô, lúa và chăn nuôi, đánh bắt nhỏ nhẻ, tự phát cho nên kinh tế rất khó khăn. Ông Hoàng Văn Thưa cho chúng tôi biết: Chiềng Hoa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La và của tỉnh Sơn La. Thu nhập của đồng bào chủ yếu từ cây ngô, lúa tạm đủ ăn. Sản phẩm làm ra không bán được vì đường xa. Từ xã muốn ra đường quốc lộ phải đi thuyền dọc theo sông Đà hết khoảng 30 phút. Vì vậy, cả xã có trên 50% là hộ nghèo. Thu ngân sách không đủ chi.
Trong khi đó đối với những người dân, khi được hỏi để làm sao việc gieo trồng ngô trên các sườn núi cho năng suất cao hơn, những người dân ở các xã sống hai bên bờ Đà Giang vẫn hồn nhiên cho biết họ sử dụng phương thức canh tác cũ của cha ông, đốt nương, tra hạt. Phương thức khoa học công nghệ được áp dụng là sử dụng các máy nén khí mà dưới xuôi hay dùng làm máy rửa xe để phun thuốc diệt cỏ cho nhanh chóng. Người viết bài hỏi một người dân đi cùng trên chuyến phà: Phun như vậy liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường hay không? Câu trả lời là cái cười hồn nhiên và đáp án là: Không hiểu sao cây ngô lớn nhanh lắm...
Cần những "cú hích" để vùng cao khởi sắc
Trên đường tiễn chúng tôi ra về, anh Hoàng Văn Thái (sinh năm 1989) - Phó chủ tịch Chiềng Hoa tâm sự: Mùa này, để đến được những bản, xã, xa xôi của Mường La còn có chút thuận tiện. Đến mùa nước cạn, giao thông đi lại không thuận tiện, những cán bộ đến các bản xa thường phải đi bộ, xe máy phải khiêng, những khó khăn nối tiếp khó khăn khiến cho nơi đây không thể phát triển và theo kịp với các vùng khác trong tỉnh. Bà con đồng bào cũng dựa vào điều này để giữ lại những nếp sinh hoạt, canh tác cũ khiến cho công tác tuyên truyền, quản lý bị gián đoạn, khó khăn.
Hai bố con một gia đình đang dùng nước suối để sinh hoạt tại thị trấn Ít Ong |
Khi được hỏi, để đại diện cho nhân dân, chính quyền nơi đây mong muốn điều gì, anh Thái chia sẻ: Mong muốn thì có nhiều, nhưng hiện giờ chính quyền và nhân dân các xã nơi đây chỉ có ao ước được các cấp, các ngành đầu tư về giao thông để việc di chuyển từ huyện về đến trung tâm xã thuận tiện đi lại được cả bốn mùa.
Điện lưới quốc gia và nước sạch vẫn chưa về được đến bà con, riêng xã Chiềng Hoa còn 4 bản chưa có điện lưới quốc gia, nhiều người dân vẫn đang dùng nước khe, mó chứ chưa có nước sạch dùng.
Ngoài ra, mong muốn có các doanh nghiệp đỡ đầu, hỗ trợ cải tạo trồng cây ăn quả, cây lâu năm trên đất dốc và hỗ trợ đầu ra...
Chính quyền huyện đang nỗ lực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ |
Với chính sách của Đảng, Chính phủ hiện nay, những mong muốn của người Thái, bà con Chiềng Hoa, Ít Ong, Mường La... trong tương lai tôi tin sẽ trở thành hiện thực. Rồi đây, những xã vùng sâu, vùng xa nhất của Mường La, Sơn La sẽ được hòa mạng điện lưới quốc gia, có nước sạch dùng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được nâng lên, an ninh - quốc phòng được đảm bảo. Rồi những đoàn khách dưới xuôi lên thăm, đi kèm không phải là những thùng đồ cứu trợ mà là những cái bắt tay, những ánh mắt rạng rỡ khi nhìn thấy quê hương ngày càng đổi mới. Giấc mơ miền núi Sơn La theo kịp đồng bằng đang từng bước được hiện thực hóa.
Khương Trung