Biển đảo

Cùng hành động vì môi trường biển - Bài 2: Cần lắm những trái tim yêu biển

Bài: Nguyễn Thi Kim Tiến Địa chỉ: Trường THCS Lộc Ninh (Bắc Lý - Đồng Hới – Quảng Bình) 31/07/2024 21:29

(TN&MT) - Để giữ cho biển xanh, cần lắm những giải pháp khả thi, những việc làm thiết thực, những con người trách nhiệm và những trái tim yêu biển. Chỉ khi nỗi đau của biển là nỗi đau của chính bản thân chúng ta thì lúc đó chúng ta mới biết bớt đi những hành vi xả rác và thêm nhiều hành động trách nhiệm trước môi trường biển.

e-vibien2.jpg

Để giữ cho biển xanh, cần lắm những giải pháp khả thi, những việc làm thiết thực, những con người trách nhiệm và những trái tim yêu biển. Chỉ khi nỗi đau của biển là nỗi đau của chính bản thân chúng ta thì lúc đó chúng ta mới biết bớt đi những hành vi xả rác và thêm nhiều hành động trách nhiệm trước môi trường biển.
Tôi đã nhiều lần suy nghĩ về trách nhiệm, về tình yêu của mình với biển. Nhiều lần đặt ra câu hỏi “Mình đã làm gì để biển bớt đau?”. Câu hỏi ấy cứ quẩn đi quẩn lại trong tôi, cho tới một ngày tôi chợt nhận ra, tình yêu không chỉ thể hiện bằng lời mà phải biến thành hành động. Với suy nghĩ ấy, tôi đã tìm tòi, đọc sách báo, tham khảo ý kiến của những người đi trước. Từ những kiến thức thu thập được, tôi mạnh dạn góp ý một số đề xuất giải pháp nhằm bảo vệ môi trường biển như sau:
Trước hết, phải thắt chặt các biện pháp xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thực sự chặt chẽ; nghiêm túc xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường của cá nhân cũng như tập thể.. Về kiểm soát, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, rất cần thiết xây dựng và ban hành quy định định mức kinh tế, kỹ thuật điều tra rác thải nhựa đại dương...
Như chúng ta đã biết, ở các nước tiên tiến, việc xả rác bừa bãi rất ít bắt gặp vì luật pháp của đất nước họ rất chặt chẽ, nghiêm khắc và chính phủ của họ sẽ phạt thật nặng đối với các hành vi xả rác nói chung và xả rác ra biển nói riêng, điển hình như các quốc gia: Singapore, Nhật Bản. Nên chăng chúng ta cần tham khảo những kinh nghiệm hay từ các quốc gia này...

image-3-.png
Nhóm “Hành trình xanh" (TX. Sông Cầu, Phú Yên) nhặt rác trên bãi biển. Ảnh: Hoài An


Thứ hai, cần tích cực làm tốt công tác bảo tồn, phát triển loài để phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản nhằm đạt mục tiêu vừa phát triển kinh tế biển vừa bảo vệ tài nguyên biển. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng mà Nghị quyết 36 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đề ra. Nhìn sang các nước tiên tiến, họ chỉ thu hoạch loài cá lớn đúng độ tuổi, có chọn lọc và quy định số lượng hay chất lượng cụ thể. Tôi từng xem những video về việc nhân giống một số loài quý hiếm và đưa trở về biển khi đã nuôi ấp thành công.
Thứ ba, đó là các giải pháp về đầu tư nguồn lực: Đầu tư xây dựng các trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, trạm radar biển và trạm phao biển nhằm quan trắc dòng chảy, chất lượng môi trường nước biển; đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống các trạm quan trắc, giám sát môi trường hiện có. Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, bảo đảm dữ liệu được cập nhật thường xuyên, khai thác, chia sẻ, kết nối thuận lợi giữa các cơ quan có liên quan; xây dựng các công cụ, ứng dụng phân tích để khai thác dữ liệu thành các thông tin, hỗ trợ ra quyết định về quản lý môi trường biển. Nâng cao năng lực vận hành để sử dụng hiệu quả mạng lưới quan trắc, giám sát và hệ thống thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên cơ sở nâng cao năng lực sử dụng các trang thiết bị, năng lực xử lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; năng lực xử lý dữ liệu cho việc đánh giá hiện trạng môi trường biển...
Đặc biệt, cần tuyên truyền cho ngư dân và có những quy định nghiêm ngặt về công cụ, phương tiện đánh bắt, chủng loại, số lượng và kích thước cá được phép đánh bắt, thời gian đánh bắt. Khuyến cáo ngư dân giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa, đặc biệt ưu tiên bảo vệ các vùng phục hồi hệ sinh thái. Sử dụng ngư cụ thân thiện môi trường và hạn chế đến mức tối đa việc thải ngư cụ xuống biển. Nếu ai cố tình vi phạm phải xử phạt thật nặng để răn đe, làm gương cho người khác.
Thứ tư, cần đẩy mạnh tính chủ động trong việc tìm kiếm, thiết lập và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế về môi trường biển; chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ nước ngoài; xem việc phát triển kinh tế biển là mũi nhọn để đầu tư phát triển du lịch sinh thái.
Thực tế, chỉ khi thực sự được hưởng nguồn lợi từ biển và dịch vụ du lịch biển thì con người mới ý thức được tầm quan trọng của biển để nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường biển khi tham gia du lịch. Ví dụ hiện nay, du lịch lặn ngắm san hô đang được khai thác bừa bãi, những người làm du lịch lẫn du khách không được trang bị đầy đủ kiến thức về vai trò và tính nhạy cảm của san hô. Mọi hành động giẫm đạp, sờ chạm hay bẻ san hô cần có chế tài xử phạt thật nặng mới mong bảo vệ loài sinh vật quý hiếm này.
Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn việc nuôi trồng thâm canh trình độ cao để tăng sản lượng và chất lượng hải sản theo hướng bền vững. Đầu tư nguồn nhân lực và ngân sách vào nghiên cứu phát triển lĩnh vực nuôi biển công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến.

13b.png


Tận dụng mạng xã hội để bảo vệ môi trường biển một cách có hiệu quả. Có thể lập những
fanpage vừa đăng bài tuyên truyền vừa tiếp nhận thông tin về rác thải biển để xử lý kịp thời.
Cuối cùng, ý thức vẫn là quan trọng nhất. Mọi giải pháp trên giấy tờ để đi vào thực tiễn cần rất nhiều thời gian và nguồn tài chính. Trong khi chờ đợi những điều này thành hiện thực, tôi nghĩ, ý thức người dân vô cùng quan trọng. Cần lắm những trái tim có tình yêu với biển như anh Chiến Lê - nhà sáng lập Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA tại Việt Nam.
Mong rằng, vì vẻ đẹp và lợi ích kinh tế của đất nước, vì tương lai của con cháu chúng ta, mỗi người dân văn minh hãy thực hiện những hành động văn minh để cứu lấy mẹ biển trước khi quá muộn.
Hãy cùng nhau xây dựng một đất nước văn minh giàu đẹp, phát triển kinh tế theo kịp nước bạn, trân trọng những gì mình đang có là thước đo giá trị nhất của cuộc sống. Hãy luôn xem biển cũng giống như một sinh mệnh, tồn tại hay không là nhờ vào sự bảo tồn và bàn tay chăm sóc của con người, hãy là một người bạn tốt, thết đãi thật có tâm với biển, với môi trường, bạn sẽ nhận được những quả ngọt giá trị gấp trăm vạn lần do thiên nhiên mang lại.
Hãy yêu "Mẹ biển" như yêu chính bản thân mình, sống chậm lại và cảm nhận, tôi tin chắc rằng bạn sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều!
Mọi người dân hãy cùng Nhà nước chung tay gìn giữ màu xanh của biển, màu xanh của hy vọng và hạnh phúc. Tôi yêu màu xanh ấy, yêu sự yên bình khi được hòa vào biển cả... Và tôi tin bạn cũng như tôi. Vậy nên, còn chần chừ gì nữa, chúng ta cùng hành động nào.

Bài: Nguyễn Thi Kim Tiến
Địa chỉ: Trường THCS Lộc Ninh (Bắc Lý - Đồng Hới – Quảng Bình)

Trình bày: Dũng Thi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng hành động vì môi trường biển - Bài 2: Cần lắm những trái tim yêu biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO