Cùng hành động vì bầu không khí của chúng ta

Mai Đan| 07/09/2022 20:23

(TN&MT) - Chủ đề của Ngày Quốc tế không khí sạch cho bầu trời xanh (7/9) năm nay là “Cùng hành động vì bầu không khí của chúng ta”. Ngày này diễn ra trong thế giới, nơi hầu như tất cả không khí chúng ta hít thở đều bị ô nhiễm và khoảng 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm.

image1440x560cropped.jpg
Ulaanbaatar ở Mông Cổ là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: ADB

Ô nhiễm không khí thường được coi là vấn đề địa phương, quốc gia

Trong nhiều năm qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng thực tế tất cả không khí chúng ta hít thở đều bị ô nhiễm và sự ô nhiễm này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 7 triệu người mỗi năm, trong đó, khoảng 90% số ca tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Năm 2019, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết chỉ định ngày 7/9 hằng năm là “Ngày Quốc tế không khí sạch cho bầu trời xanh,” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu cấp thiết của việc nâng cao nhận thức cộng đồng ở tất cả các cấp và thúc đẩy và tạo điều kiện cho các hành động cải thiện chất lượng không khí.

5 năm trôi qua, các nhà khoa học của WHO đã kết luận, tác động của ô nhiễm không khí ở mức độ thấp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây; cộng đồng quốc tế có đang quan tâm đến vấn đề này không và có thể làm gì để giải quyết?

image1170x530cropped(1).jpg
Ô nhiễm không khí ở Dhaka, Bangladesh đang dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe cho người dân thành phố. Ảnh: UNICEF

Để thảo luận về vấn đề này, UN News đã trò chuyện với 2 chuyên gia của Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) được điều phối bởi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) là bà Martina Otto, người đứng đầu Ban Thư ký và ông Nathan Borgford-Parnell, Điều phối viên của Khoa học.

Theo bà Martina Otto, ô nhiễm không khí thường được coi là một vấn đề địa phương, quốc gia. Nhiều quốc gia đã có những nỗ lực để giảm lượng khí thải, nhưng chắc chắn là không ở mức cần thiết.

Ngoài ra, do các chất ô nhiễm đang di chuyển trong không khí và thường ở khoảng cách xa, nên chúng ta không thể giải quyết điều này bằng các biện pháp cô lập. Chúng ta cần chia sẻ các giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí chung.

Ông Nathan Borgford-Parnell cho biết, chất lượng không khí đã không cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua và WHO, sử dụng một quy trình rất nghiêm ngặt trong nhiều năm, đã đưa ra các hướng dẫn mới về chất lượng không khí xung quanh vào năm ngoái.

Ô nhiễm không khí cho thấy sự bất công về môi trường

Trao đổi với UN News về việc các nước có thu nhập thấp và trung bình được xác định là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, ông Nathan Borgford-Parnell cho hay, các nhóm dân cư ở đó có rất dễ bị tổn thương, liên quan đến các công nghệ họ sử dụng để nấu ăn, sưởi ấm nhà cửa, phương tiện đi lại và loại năng lượng thường được sử dụng.

Ngoài ra, có những yếu tố liên quan đến độ tuổi của dân số, người rất trẻ và người già rất dễ bị tổn thương, thường không có phương tiện và khả năng tiếp cận với chăm sóc sức khỏe.

Bà Otto cho rằng, quyền có một môi trường trong sạch được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 7 vừa qua là quyền rất quan trọng, bởi vì ô nhiễm không khí là một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và ảnh hưởng không tương xứng đến những người dễ bị tổn thương nhất, như ông Nathan đã giải thích.

Ngoài ra, ô nhiễm không khí có thể tồi tệ ở một thành phố nhất định, nhưng mức độ ô nhiễm cũng phụ thuộc rất nhiều vào các khu vực lân cận, nơi có các ngành công nghiệp. Ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn ở các khu dân cư nghèo, điều đó cho thấy sự bất công về môi trường.

image1170x530cropped-1-.jpg
Khí thải xe cộ, máy phát điện chạy bằng dầu diesel, đốt sinh khối và rác thải đều là những nguyên nhân khiến chất lượng không khí ở Lagos Lagoon, Nigeria tồi tệ hơn. Ảnh: UNICEF

Đánh giá về việc hợp tác đang diễn ra hiện nay so với những năm trước, bà Martina Otto cho biết, CCAC vừa hoàn thành bản đánh giá thứ ba về châu Phi, bản đánh giá này đã đề cập đến vấn đề hợp tác giữa các nước. CCAC đã sử dụng các đánh giá khu vực châu Phi để thảo luận về sự hợp tác, bắt đầu xem xét vấn đề đó và hy vọng sẽ chứng kiến nhiều hợp tác khu vực hơn nữa. Theo bà Otto, các nước cần cùng nhau xem xét các giải pháp, hợp tác với nhau.

Ông Nathan Borgford-Parnell chia sẻ, điều khiến ông lo ngại nhất về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí là có thể không phải tất cả mọi người đều nhận ra rằng, không có sự tách biệt giữa ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.

Cháy rừng là do con người gây ra, nhưng một số người lại cho rằng chúng xảy ra tự nhiên. Sự gia tăng chóng mặt của các vụ cháy rừng trong những năm gần đây cho thấy chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến cháy rừng gia tăng trên toàn thế giới ở những nơi chúng ta không thể tưởng tượng được và biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp đến gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí gây ra bởi cháy rừng.

Ô nhiễm không khí còn tác động đến khí hậu, không có chất ô nhiễm không khí nào không tác động đến khí hậu. Khí nhà kính, sol khí, chất ô nhiễm, tất cả đều tác động đến khí hậu. Mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, những điều này được liên kết với nhau và chúng ta có thể thúc giục cộng đồng hướng tới các giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Đó chính là thông điệp truyền sức mạnh của Liên minh Khí hậu và Không khí sạch.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng hành động vì bầu không khí của chúng ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO