Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Thiếu hướng dẫn cụ thể

17/06/2016 00:00

(TN&MT) - Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai Chính phủ điện tử, chú trọng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị thuộc Bộ. 

Bộ TN&MT sẽ cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong thời gian tới (Ảnh: MH)
Bộ TN&MT sẽ cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong thời gian tới (Ảnh: MH)

Theo Nghị quyết 36a/NQCP về Chính phủ điện tử, Bộ TN&MT có nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính của Bộ để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, gắn với chương trình tổng thể về cải cách hành chính của Bộ và của Chính phủ. Kế hoạch đặt ra là đến hết năm 2016, các dịch vụ công theo quy định của pháp luật do Bộ TN&MT cung cấp sẽ dưới dạng trực tuyến ở mức độ 3. Giai đoạn tiếp theo đến hết năm 2017, một số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đủ điều kiện sẽ được cung cấp ở mức độ 4.

Báo cáo tại cuộc họp triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Bộ TN&MT, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ TN&MT) cho biết: Hiện Cổng thông tin cung cấp dịch vụ công thống nhất tại Bộ TN&MT đã có thể cung cấp 100% số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ dưới dạng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2. Trong khuôn khổ triển khai thí điểm Cơ chế Hải quan 1 cửa Quốc gia, Bộ TN&MT đã hoàn tất triển khai DVCTT ở cấp độ 4 cho 4 TTHC, bao gồm: Xác nhận đăng ký nhập khẩu các chất HCFC; Xác nhận đăng ký nhập khẩu polyon trộn sẵn HCFC-141b; Xác nhận đăng ký xuất khẩu các chất HCFC; Xác nhận đăng ký xuất khẩu chất thải nguy hại. Người dân, doanh nghiệp có thể tiến hành giao dịch các thủ tục này thông qua Cổng thông tin 1 cửa Quốc gia. Tuy vậy, việc triển khai Chính phủ điện tử nói chung và các DVCTT mức độ 3, 4 còn khá chậm so với kế hoạch.

Thực tế, ngoài 4 thủ tục nói trên, Bộ vẫn chưa cung cấp DVCTT nào ở cấp độ 3, 4. Theo ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ, nhiều dịch vụ đã có thể triển khai ở mức độ 3, nhưng vướng mắc lớn hiện nay là chưa có một Thông tư quy định cụ thể về vấn đề này. Khác với DVCTT ở cấp độ 1, 2 là Bộ chỉ cung cấp thông tin một chiều, cấp độ 3, 4 đòi hỏi có sự tương tác, chuyển giao dữ liệu giữa bên cung cấp và người sử dụng dịch vụ. Bởi vậy, cần có văn bản quy định rõ những nội dung  phải chuyển lên điện tử, chế độ gửi báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương tới Bộ TN&MT, hay khi các tổ chức, doanh nghiệp gửi đến các đơn vị phải được thể hiện trên Cổng thông tin như thế nào… Ngoài ra, hệ thống phần mềm cung cần được nâng cấp để phù hợp cung cấp DVCTT ở mức độ cao hơn. Theo ông Hà, quy trình xử lý TTHC ở các đơn vị ngay trong 1 Tổng cục, 1 Cục cũng rất khác nhau nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình tin học và cập nhật quy trình xử lý vào hệ thống phần mềm, phải thiết kế theo đặc thù phân công xử lý của từng đơn vị dẫn đến việc triển khai còn chậm.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Tổng cục đang gặp khó khăn khi đưa các tài liệu lên mạng, bởi khối lượng công việc lớn trong khi nhân lực lại thiếu. Hiện, lĩnh vực môi trường chiếm đến 57% tổng số hồ sơ gửi đến Bộ, riêng hồ sơ dịch vụ cung cấp chứng nhận đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là 25%. Các hồ sơ này có khá nhiều loại tài liệu là ảnh, bản đồ dung lượng lớn, định dạng không đồng nhất giữa các đơn vị, địa phương khi gửi đến Tổng cục, rất khó cập nhật tài liệu vào hệ thống theo đúng quy trình. Ông Thức đề nghị, nên đưa nội dung về chuẩn hóa mẫu mã, định dạng, biểu loại hồ sơ theo chuẩn dữ liệu chung của Bộ vào Thông tư. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu của Chính phủ về kết nối, liên thông văn bản điện tử giữa các ngành và từ cấp xã, huyện, tỉnh, cho tới Trung ương.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho rằng, trang web của các đơn vị được xây dựng đã lâu nên không tránh khỏi có bị lạc hậu và có lỗ hổng, nên rà soát lại để nâng cấp và có sự kết nối giữa các trang web này với Cổng thông tin chung của Bộ, tạo sự liên thông ngay trong nội bộ ngành TN&MT.

Trước thực trạng nêu trên, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã chỉ đạo các Tổng cục, Cục có cung cấp DVCTT, cần nhanh chóng xây dựng Thông tư chung về triển khai dịch vụ cấp độ 3, 4 trong lĩnh vực của mình, tạo điều kiện để các dịch vụ này có thể triển khai trực tuyến. Đồng thời, phối hợp với Cục CNTT tiếp tục triển khai xây dựng Hệ thống cung cấp DVCTT tại Bộ TN&MT, góp phần tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước của Bộ nói chung, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các TTHC.

4 mức độ phát triển của các DVCTT bao gồm:

Mức độ 1: DVCTT bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

Mức độ 2: DVCTT mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Mức độ 3: DVCTT mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Mức độ 4: DVCTT mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

 

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Thiếu hướng dẫn cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO