(TN&MT) - Chỉ sau 23 năm phê duyệt qui hoạch, triển khai các dự án đầu tư và đi vào hoạt động, Cụm Công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng của quận Ninh Kiều đã bị kết “án tử” vì ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch xây dựng chung của TP. Cần Thơ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngày 7/8/2001, UBND TP.Cần Thơ ban hành Quyết định số 2218/QĐ-CT.UB, về việc phê duyệt dự án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm Công nghiệp Cái Sơn – Hàng Bàng (P. An Bình, Q. Ninh Kiều) với tổng diện tích 38,2 ha. Sau khi triển khai thực hiện dự án, TP. Cần Thơ không đứng ra thu hồi đất, giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư, mà chủ đầu tư tự chuyển nhượng đất của người dân để xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất, kinh doanh… Tính đến năm 2013, Cụm Công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng có 88 cơ sở sản xuất cơ khí điện gia dụng, vật liệu xây dựng, đồ gỗ; thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm; may mặc và các kho chứa hang hóa, xăng dầu… Trong đó, có 69 cơ sở đang hoạt động, 10 cơ sở ngưng hoạt động, 4 cơ sở chuyển sang cho thuê nhà ở và 5 cơ sở đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng.
Nhiều hộ dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường Hoàng Quốc Việt, khu vực 4, Phường An Bình đang phải hứng chịu ô nhiễm.
Do các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Cụm Công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng có quy mô nhỏ, lại tự bỏ vốn ra chuyển nhượng đất, xây dựng nhà máy, mua sắm trang thiết bị… nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống cấp thoát nước, giao thông, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, khí thải không được quan tâm đúng mức, nguồn nước thải, bùn thải, khí thải… phát sinh trong quá trình sản xuất chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí… ảnh hưởng tới khu vực dân cư xung quanh. Ông Nguyễn Hoàng Nam, ở khu vực 4, P. An Bình, Q. Ninh Kiều cho biết, vì ở gần với một số cơ sở sản xuất giấy, chế biến thức ăn thủy sản, gia súc, nên ngày nào gia đình ông cũng phải đóng kín cửa để giảm thiểu khói, bụi bẩn, mùi hôi… phát tán vào nhà, ảnh hưởng sinh hoạt, sức khỏe của các thành viên trong gia đình. “Gia đình tôi và các hộ dân ở khu vực này mong muốn chính quyền địa phương di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp này đến nơi khác càng sớm càng tốt”.
Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ cho rằng, do hạ tầng tại Cụm Công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng không được đầu tư xây dựng đúng quy định, từ đó gây ô nhiễm môi trường cho khu vực này. Trong thời gian sớm nhất cần di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Cụm công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng vào Khu công nghiệp tập trung theo quy hoạch của thành phố. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ an tâm sản xuất, trả lại môi trường trong lành cho người dân.
Theo quy hoạch chung xây dựng TP. Cần Thơ đến năm 2025 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vị trí hiện tại của Cụm Công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng không còn phù hợp vì nằm trong phạm vi trung tâm đô thị TP. Cần Thơ, nơi mà trong thời gian qua tốc độ xây dựng nhà ở, khu dân cư diễn ra rất nhanh… Theo ông Đỗ Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương TP. Cần Thơ, việc hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch đô thị tại Cụm công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng là rất cấp thiết, nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường, bố trí dân cư, chỉnh trang và phát triển đô thị bền vững. “Dự kiến, thời gian di dời được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2014 đến 2017) sẽ di dời đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2 (từ 2017 đến 2020) sẽ di dời tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh còn lại thuộc đối tượng phải di dời theo quy hoạch đô thị hoặc ngừng sản xuất để chỉnh trang, kinh doanh phù hợp với điều kiện tại khu đô thị trung tâm”- Ông Đỗ Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương TP.Cần Thơ, cho biết.
Như vậy, việc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Cụm Công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng đến các Khu, Cụm Công nghiệp hiện có trên địa bàn TP.Cần Thơ nhằm đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển đô thị, giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường đã tồn tại nhiều năm gây bức xúc cho các hộ dân. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả việc di dời này theo lộ trình đã đề ra, phải có sự phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương và sự hợp tác của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bài và ảnh: Lê Hùng