Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh): Có độ “vênh” trong công tác kiểm dịch COVID-19?

Phạm Tuân| 07/07/2020 20:58

(TN&MT) - Mới đây, công tác kiểm soát phòng chống lây nhiễm dịch COVID-19 tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã bất ngờ được siết chặt dù chưa hề có sự chỉ đạo bằng văn bản của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Hà Tĩnh. Mặt khác, theo phản ánh thì công tác này đang có độ “vênh” giữa phương án được đưa ra và thực tế thực hiện khiến nhiều người băn khoăn, không đồng tình…

Phải khẳng định rằng, trong thời gian qua, việc phòng chống dịch COVID-19 luôn được cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, ráo riết chỉ đạo một cách nghiêm túc, kịp thời. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị từ khi dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Bằng những nỗ lực tuyệt vời thì Việt Nam ta cũng đã cơ bản khống chế, làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngay ở trong nước, được quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao.

Tại nhiều cửa khẩu quốc tế có đường biên giới giáp ranh với những quốc gia đang có nhiều diễn biến phức tạp về nguy cơ dịch COVID-19 lây lan, bùng phát, Chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu các lực lượng chức năng liên quan bố trí túc trực, kiểm soát chặt chẽ.

Cửa khẩu quốc tế cầu treo bất ngờ "siết chặt" công tác kiểm soát dịch bệnh dù chưa có văn bản hướng dẫn từ tỉnh Hà Tĩnh

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 một cách có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành TW, địa phương liên quan tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân tái khởi động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, từ cuối tháng 5/2020, ông Trần Tiến Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo ngành Y tế, Hải quan, Biên phòng…phối hợp, tham mưu đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải được thông quan hàng hóa với nước bạn Lào.

Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý nội dung đề xuất của Sở Y tế về việc cho phép 1 lái xe/ phương tiện vận chuyển hàng hóa làm thủ tục xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo mà không phải thực hiện cách ly tập trung bắt buộc tại khu cách ly tập trung của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải cam kết đảm bảo an toàn, nâng cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình thông quan, vận chuyển hàng hóa qua lại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Các tài xế đang ngồi "vật vờ" chờ đổi xe

Vậy nhưng, khi doanh nghiệp vận tải qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được “cởi trói” chưa được bao lâu thì nay rơi vào cảnh lao đao vì không kịp trở tay do các ngành chức năng Cửa khẩu này bất ngờ “siết chặt” công tác kiểm dịch y tế từ ngày 02/7/2020. Theo đó, các xe tải vận tải hàng hóa từ nước ta sang bên nước bạn Lào phải tiến hành đổi lái tại cửa khẩu, hoặc vẫn cho lái xe sang trả hàng bên nước bạn nhưng khi quay về thì phải tiến hành cách lý tập trung bắt buộc 14 ngày.

Được biết, để triển khai nội dung nêu trên, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo căn cứ vào Quyết định số 2553/QĐ-BYT, ngày 18/6/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không”.

Sẽ không có gì đáng nói nếu phương án nêu trên đã có sự hướng dẫn, được sự đồng ý bằng văn bản của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Hà Tĩnh cũng như công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm COVID-19 được triển khai một cách nghiêm túc, đúng như trên “lý thuyết” mà những người có trách nhiệm tại cửa khẩu nêu trên đưa ra. Tuy nhiên, trong ngày 06/7/2020, khi PV có mặt tại cửa khẩu này thì ghi nhận thực tế công tác kiểm dịch y tế lại cho thấy những bất cập nhất định.

Các tài xế trao đổi những bất cập trong cách triển khai các biện pháp đổi tài xế, cách ly với PV

Một tốp tài xế đang nằm vật vờ trên ghế ngay sát cửa kiểm soát biên phòng của Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tỏ ra hết sức mệt mỏi. Khi được hỏi về quy định mới siết chặt công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu mà Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang áp dụng, các tài xế đều cho rằng, quy định mới này gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lẫn cánh tài xế. Hơn nữa, việc đổi lái xe tại cửa khẩu cũng chỉ mang tính “hình thức” vì thực chất các tài xế từ bên Lào sang tiếp nhận xe của tài xế bên Việt Nam sang vẫn tiếp xúc với nhau một cách bình thường như chưa hề có quy định “siết chặt” mà cơ quan chức năng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vừa đưa ra.

“Anh em tài xế từ Lào về và bên Việt ta sang vẫn gặp nhau bình thường. Vì đặc thù phải lấy giấy tờ xe, tiền nong và nhiều đồ đạc thiết yếu khác khi đi trên đường. Vì thế, việc đổi tài xế hiện nay đang được áp dụng thực chất chúng tôi thấy cũng chỉ mang tính hình thức, bất cập lắm, chỉ khổ cho doanh nghiệp và cánh tài xe chúng tôi” – Một tài xế quê ở huyện Diễn Châu, phản ánh.

Theo đại diện của một doanh nghiêp vận tải hàng hóa lâu năm từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sang Lào cho hay, thực trạng kiểm soát dịch bệnh tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nói trên đang khiến chi phí đội lên gấp nhiều lần trong khi cước vận tải phải cạnh tranh khốc liệt. Mặt khác, việc đổi tài xế cũng ẩn chứa nhiều rủi ro do lái xe không quen xe, địa hình nên rất dễ tai nạn; mặt khác mỗi đầu xe phải tuyển thêm ít nhất 1 tài xế nữa nên việc trả lương và các chi phí phát sinh khác đương nhiên tăng lên gấp đôi.

Kiểm tra xe trước khi đổi tài xế

Cũng theo doanh nghiệp vận tải này thì trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra thì các đơn vị khác cũng buộc phải tuân thủ quy trình như vậy mới có thể “cầm hơi” được. Nếu để phương tiện vận tải nằm chờ cho qua mùa dịch thì nguy cơ nợ nần, lãi suất ngân hàng sẽ chồng chất vì dòng tiền tái sinh không có.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Văn Hạnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cho hay: Vấn đề kiểm soát y tế tại cửa khẩu do phía Biên phòng và bộ phận kiểm soát dịch bệnh phụ trách, phía Hải quan cũng chỉ là thành viên tham gia. Hồi cuối tháng 5 tỉnh đã nới lỏng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và sau hơn 1 tháng triển khai thì không có vấn đề gì bất cập xảy ra cả. Việc hiện nay tiếp tục “siết chặt” công tác kiểm soát như mới áp dụng từ ngày 02/7 vừa qua cũng khiến DN gặp nhiều khóa khăn. Cũng theo ông Hạnh, hiện nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo mới của tỉnh chỉ đạo về vấn đề này.

Các tài xế không đeo khẩu trang, tay xách nách mang chăn, chiếu trao đổi với nhau trước khi đổi xe

Thiếu tá Trần Văn Sông – Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, khẳng định, việc kiểm soát dịch bệnh tại Cửa khẩu được triển khai tích cực và có hiệu quả. Đợt “siết chặt” vừa rồi được các bên thống nhất ngày 30/6/2020; sau đó ngày 01/7 tổ chức thông báo, tuyên truyền cho người dân và DN; đến ngày 02/7 thì chính thức áp dụng. Tuy nhiên, cũng theo ông Sông thì việc áp dụng theo văn bản chỉ đạo 2553 của Bộ Y tế nói trên đến nay chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể nào của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Khi được hỏi về việc “nửa vời” trong cách kiểm soát dịch bệnh khi các tài xế phía 2 bên vẫn có thể ngồi uống nước, hút thuốc và gặp nhau tại cửa khẩu thì ông Sông cho hay “Đó là vấn đề tiểu tiết vì anh em nhiều việc quá nhiều khi không kiểm soát được hết”?

Dư luận cho rằng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tiến hành kiểm soát với nội dung yêu cầu đổi tài xế Việt - Lào hoặc cho thông quan nhưng khi về phải cách ly nhưng lại "nửa vời", gây khó khăn, tốn kém cho người dân và DN

Chiều ngày 07/7, ông Nguyễn Hồng Phúc – Phó chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, hiện nay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đang làm công tác tham mưu cho tỉnh để ra văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện văn bản 2553 của Bộ Y tế. Mặt khác ông Phúc cũng khẳng định Sở Y tế Hà Tĩnh chưa hề nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía Bộ đội biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo liên quan đến việc “siết chặt” công tác kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu từ ngày 02/7 vừa qua.

Có thể nói rằng, kiểm soát dịch bệnh là việc làm rất cần thiết và phải được thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên, cũng cần xét điều kiện thực tế công tác phòng, chống dịch của nước ta cũng như nước bạn Lào để đưa ra giải pháp hợp lý, thiết thực, tránh việc “bế quan tỏa cảng” cũng như phát sinh thêm nhiều quy trình, thủ tục không cần thiết hoặc có những bất cập, không hợp lý mang tính “hành chính” nhưng thực tế triển khai lại có độ “vênh” gây khó khăn, thiệt hại lớn cho người dân và gây bức xúc cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh): Có độ “vênh” trong công tác kiểm dịch COVID-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO