(TN&MT) – Sau bài viết “Công ty Savills Việt Nam trốn thuế khi thu phí dịch vụ chung cư The Manor Hà Nội?”, báo TN&MT nhận được rất nhiều phản ánh của các hộ dân đang sinh sống tại khu chung cư này. Hầu hết đều phản đối cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của Ban quản trị nhà chung cư The Manor Hà Nội (TMN).
Ban quản lý hiện tại không còn là người của Savills?
Trong một động thái mới nhất để chứng tỏ không còn liên quan gì tới chung cư TMN. Ngày 05/11/2014, Công ty Savills Việt Nam đã có văn bản gửi BQT và cư dân chung cư TMN thông báo “từ ngày 01/10/2014, Savills đã chính thức dừng Hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý tại chung cư The Manor Hà Nội và BQL hiện tại đang tiếp tục việc quản lý vận hành chung cư The Manor dưới sự điều hành trực tiếp của BQT”.
Văn bản phủ nhận việc liên quan tới The Manor Hà Nội kể từ sau ngày 30/9/2014 của Savills.
Văn bản này cũng đặt dấu chấm hết cho sự trả lời nước đôi của ông Trương Đức Tú, người hiện đang làm Giám đốc Quản lý chung cư TMN khi ông Tú nói rằng “bạn gọi tôi là người của Savills cũng được, không phải cũng được”. Và việc ra văn bản ngày 05/11/2014 chứng tỏ BQL hiện tại đang vận hành, thu phí dịch vụ khu chung cư TMN chịu sự quản lý của BQT đương nhiệm. Điều này đi ngược lại với thông báo số 232/ TB-UBND của quận Nam Từ Liêm khi yêu cầu BQT nhà chung cư TMN đàm phán với Savills tiếp tục thực hiện công việc trong thời gian bầu BQT mới.
Bên cạnh đó, thông báo số 232 cũng đề nghị BQT tổ chức Hội nghị nhà chung cư bầu BQT mới trong tháng 10/2014 thế nhưng cho tới thời điểm này vẫn không có Hội nghị nào được tổ chức mà chỉ có một cuộc họp ngày 31/10/2014 của BQT thống nhất về hình thức bỏ phiếu bầu BQT mới theo căn hộ chứ không theo m2 sử dụng.
Liệu có thể coi đây là hành vi lộng quyền của BQT khi tự cho mình quyền lựa chọn hình thức biểu quyết theo căn hộ chứ không cần họp Hội nghị nhà chung cư để xin ý kiến của các cư dân theo chỉ đạo của ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm?. Bởi trong thông báo số 232 thì ông Sơn đã có hướng dẫn về việc bỏ phiếu bầu BQT mới bằng hình thức biểu quyết theo căn hộ hay theo m2 phải hoàn toàn do các cư dân TMN quyết định chứ không phải BQT quyết định.
Liệu sẽ có làn sóng tự khấu trừ tiền thuế GTGT và không đóng phí dịch vụ?
Ngoài việc chậm chễ trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư, không minh bạch về tư cách pháp nhân của BQL hiện tại thì theo chị Nguyễn Thúy Anh hiện đang sống tại căn hộ B903 phản ánh về việc không chỉ riêng hộ nhà anh Nguyễn Mạnh Cường (chủ căn hộ w1904) không nhận được hóa đơn GTGT từ Savills mà bản thân chị cũng là một nạn nhân của việc này.
Mang tiếng là khu chung cư cao cấp nhưng chất lượng dịch vụ không
tương xứng đã khiến cư dân The Manor phẫn nộ
Cụ thể, từ tháng 8/2013 cho đến hết quý 3/2014, chị đóng phí sử dụng dịch vụ cho BQL khu chung cư bằng hình thức chuyển khoản và yêu cầu phải có hóa đơn GTGT nhưng không hề có. Sau nhiều lần như vậy khiến chị mất niềm tin vào BQL và tại kỳ đóng phí quý 3/2014, chị đã phản đối bằng cách tự trừ 10% tiền thuế sử dụng dịch vụ tính từ tháng 8/2013 đến hết tháng 9/2014 cho đến bao giờ công ty Savills cấp hóa đơn GTGT thì chị sẽ trả phần còn thiếu.
Ngoài ra, khi có thông báo đóng phí dịch vụ quý 4/2014 thì chị và một số hộ dân khác sau khi tìm hiểu biết rằng BQL hiện tại (trước 30/9/2014 làm việc cho Savills) không có tư cách pháp nhân, không đại diện cho Savills vì thế chị không biết đóng phí dịch vụ cho ai để lấy được hóa đơn GTGT nên chưa đóng.
Theo số liệu cung cấp của các cư dân trong khu chung cư TMN thì số lượng các căn hộ trong TMN không dưới 400 căn, diện tích của căn nhỏ nhất là 110m2, lớn nhất 500m2 và đều đóng phí dịch vụ 9450đ/ m2. Giả dụ nếu Savills không xuất hóa đơn GTGT cho khoảng 50% số căn hộ tại TMN sử dụng dịch vụ của Savills từ tháng 8/2013 đến hết tháng 9/2014 thì một năm số tiền thuế GTGT mà Savills không nộp cho nhà nước là bao nhiêu tiền?.
Để làm rõ hơn về việc có hay không hành vi trốn thuế hay của Savills khi cung cấp dịch vụ cho khu chung cư TMN, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Văn Kim Huệ, đội phó đội tuyên truyền hỗ trợ thuộc Chi cục thuế quận Nam Từ Liêm. Bà Huệ cho biết: “Bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ nếu không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, không kê khai thuế thì đó là hành vi trốn thuế, còn nếu họ không xuất hóa đơn nhưng có kê khai thuế thì chưa đủ điều kiện để kết luận họ có hành vi trốn thuế.”
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Mạnh Hưng
Về việc lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ: Tại mục b, khoản 1; mục b, khoản 2, Điều 16, thông tư 39 của Bộ Tài chính về việc sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định: “Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ…. trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ người mua không lấy hóa đơn hoặc người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”. |