Cụ bà giữ nghề “lùng tung” trên đất Cố đô

Duy Quốc| 28/01/2021 10:49

(TN&MT) - Hơn 40 năm làm đồ chơi dân gian, cụ bà Trương Thị Hường (75 tuổi, thường gọi là mệ Chiều, trú phường Phú Hòa, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) quyết giữ nghề lùng tung và vè ve. Với những người gắn bó lâu với Huế, chắc hẳn hình ảnh mệ Chiều ngày ngày ngồi tại cầu Trường Tiền nổi tiếng để bán vè ve và trống lùng tung vẫn là hình ảnh giản dị, quen thuộc và khó quên.

Say mê với nghề

Nhâm nhi tách trà nóng một buổi chiều mưa cuối năm, mệ Chiều chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, mệ nhìn thấy hai vợ chồng người hàng xóm làm đồ chơi nên rất thích, mỗi buổi sáng mệ lại chạy qua để nhìn xem và bắt chước cách làm. Cứ thế mệ không biết mình đã yêu cái nghề này từ bao giờ và theo đuổi nghề này cho đến tận bây giờ.

Mệ Chiều vẫn tỉ mỉ với nghề “độc nhất vô nhị” ở xứ Huế

Theo mệ Chiều, trước năm 1945 thì nghề làm lùng tung, vè ve này rất phổ biến và nhiều người chọn để kiếm sống, nhưng sau này nhiều đồ chơi được làm từ máy móc ra đời nên nghề này không còn ai theo, mọi người đều chọn cho mình con đường khác vì nghề này khó sống, không kiếm được tiền để nuôi gia đình.

Khi được hỏi tại sao lại giữ nghề này đến tận bây giờ, mệ nói “45 năm theo nghề ni không bỏ được, thời còn khỏe hay tới các trường tiểu học bán, thấy học trò rối rít mua thì rất là vui. Chừ hết đời bà cũng không có ai nối nghiệp hết, thấy tiếc nên bà cứ theo nghề cho đến tận bây giờ. Một phần bà cũng muốn lưu giữ nghề truyền thống này được năm nào hay năm đấy...”.

Mệ Chiều cho hay, nghề lùng tung và vè ve này có hơn 100 năm, từ thời vua Bảo Đại, là hai sản phẩm chính và chuyên nhất mà mệ làm. Mỗi cái bán với giá 5.000 đồng nhưng trải qua rất nhiều giai đoạn để hoàn thành, từ chọn mua tre, xong đem phơi, cưa, vót tre. Để có nguyên liệu tốt, bền cho đồ chơi của mình mệ Chiều phải nhờ người tìm mua những cây tre già ưng ý.

Các sản phẩm mệ Chiều làm ra có giá chỉ 5.000 đồng

Lùng tung và vè ve có cách làm hoàn toàn khác nhau. Chiếc trống lùng tung phải vót các nan tre, kết hợp giấy màu liên kết với nhau bởi hồ dán. Trống lùng tung có hình dạng như cây vợt bóng bàn nhưng nhỏ hơn. Thành trống được uốn cong thành hình trụ tròn, lắp thêm cái cán tre dài khoảng 10cm, mặt trống được phủ căng bởi lớp giấy màu và hai bên thành trống đối xứng nhau là hai sợi dây có đầu đính một cục bột nếp vo nhỏ để mỗi khi cầm lắc lắc, nó va vào mặt trống tạo ra âm thanh lùng tùng vui tai. Theo mệ Chiều, tre có tính giòn, nên khi làm mình phải tỉ mỉ, khéo léo vót các thành trống đủ mỏng, phơi cho đủ nắng để khi uốn cong và gắn cán tre vào sẽ không bị gãy và nứt...

Vè ve có phần đặc biệt hơn, đầu cán phải trét nhựa thông để khi cầm lên quay, âm thanh phát ra sẽ truyền dẫn theo dây cước và phát ra ở đầu ống tre hình trụ, một đầu bịt kín bằng giấy cứng, một đầu kia để rỗng. Tuy nhìn đơn giản, nhưng nếu không biết cách nấu nhựa thông, khi đính vào đầu thanh tre, nhựa thông có thể dễ vỡ. Để đồ chơi có được tiếng kêu như con vè ve, mỗi sáng tinh mơ mệ Chiều phải lên chợ để chọn nhựa thông, một sản phẩm hoàn thành nhìn trông đơn giản nhưng những công đoạn khi làm thì rất khó đối với người ngoài nghề.

Đắn đo việc truyền nghề 

Sợ nghề dần mai một không có ai để truyền nghề, mệ Chiều âu lo: “Bây giờ nghề này không còn ai theo cả, hai đứa con của tôi cũng không muốn đi theo nghề này, ai cũng có nghề riêng của nó. Hơn 20 năm nay nhìn đồ chơi bằng máy móc phát triển, lấn át đồ chơi truyền thống thì thu nhập càng ngày càng ít đi, ngày được ngày mất. Đồ chơi bằng máy móc ngoài thị trường có giá vài trăm nghìn cho đến vài triệu nhưng vẫn được ưa chuộng, đồ chơi truyền thống này chỉ có 5.000 đồng nhưng bây giờ chẳng có máy ai mua...”.

Hình ảnh cụ bà ngồi ở chân cầu Trường Tiền đã in sâu vào tâm trí nhiều người khi đi ngang qua đây

Mệ Chiều tâm sự thêm, bây giờ nâng giá lên thì không ai mua họ nói đắt, nên cứ bán giá 5.000 đồng, nhiều lúc giá cả chỉ có thế nhưng khách mua thấy bà bán rẻ thì cho thêm hoặc không lấy tiền thối lui...

Những lúc đau yếu mệ Chiều cứ hay nghĩ, nếu sau này mình mất đi thì còn ai nhớ đến mình và cái nghề này nữa không. Mệ sợ khi đó sẽ không còn ai giữ được nghề và tiếng trống lùng tung, vè ve sẽ không còn kêu trên đất Huế này nữa.

... Nhưng cho dù như vậy, mệ Chiều vẫn lạc quan, quyết tâm giữ nghề “độc nhất vô nhị” này cho đến hơi thở cuối cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cụ bà giữ nghề “lùng tung” trên đất Cố đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO