Hình ảnh Khu tài chính Thành phố London từ Đồi Primrose khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng che khuất đường chân trời của London vào ngày 10/4/2015. Ảnh: Reuters |
Theo EEA, tổng cộng 630.000 ca tử vong ở 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh là do các yếu tố môi trường vào năm 2012, năm gần nhất mà cơ quan này có đủ dữ liệu. “Những ca tử vong này sẽ không xảy ra hoặc có thể giảm đáng kể nếu các quốc gia nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường”, EEA nhấn mạnh.
Ô nhiễm không khí là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất ở châu Âu, gây ra hơn 400.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Tiếp xúc lâu dài với các chất ô nhiễm có thể gây ra bệnh tiểu đường, bệnh phổi và ung thư, và bằng chứng ban đầu cho thấy ô nhiễm không khí có thể liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn ở bệnh nhân COVID-19.
Mức độ ô nhiễm không khí đã giảm mạnh trên khắp châu Âu trong bố cảnh đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia tiến hành lệnh cấm các phương tiện giao thông đường bộ. Tuy vậy, sự giảm thiểu này chỉ là tạm thời và hầu hết các nước EU có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu cắt giảm chất ô nhiễm không khí trong thập kỷ tới.
EEA cho biết đại dịch COVID-19 đã làm rõ mối quan hệ giữa môi trường và sức khỏe con người, chứng tỏ nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người gia tăng do suy thoái môi trường và sản xuất thịt.
“COVID-19 là một lời cảnh tỉnh nữa, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa hệ sinh thái và sức khỏe của chúng ta,” Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides tuyên bố.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất các mục tiêu của EU để giúp nông nghiệp bền vững hơn, bằng cách bảo vệ môi trường sống tự nhiên và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, tuy nhiên các nhóm nông dân cho rằng mục tiêu có thể hạn chế năng suất cây trồng.
EEA cho biết chất lượng nước uống luôn ở mức cao trên toàn EU, nhưng đã làm dấy lên báo động về việc loại bỏ kháng sinh qua các nhà máy xử lý nước thải, điều này có thể lây lan tình trạng kháng thuốc. Nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc gây ra khoảng 25.000 ca tử vong ở EU mỗi năm.