(TN&MT) – Nhà máy tinh bột sắn thuộc Công ty Cổ phần nông sản thực phẩm Việt Nam đóng chân tại địa bàn xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (Gia Lai) chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2017. Tuy nhiên từ khi hệ thống nhà máy vận hành chạy thử cũng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do xả thải chưa đạt yêu cầu ra sông suối.
Cuối năm 2017, hồ chứa chất thải của Nhà máy tinh bột sắn đã bể tan hoang làm hàng chục ha cây trồng của nông dân bị thiệt hại. Nay bờ đập các hồ chứa mới được đắp lại nhưng rất sơ sài bằng đất pha cát nên lượng nước thải và hóa chất vẫn thẩm thấu ra môi trường có màu vàng đậm, hôi thối chảy thành dòng, nguy cơ vỡ hồ đập rất dễ xảy ra.
Ông V. – một nông đân có rẫy sát khu vực hồ chứa ngao ngán: “Hồ chứa nước thải của nhà máy đã bị bể một lần, những hộ có ruộng rẫy gần đó bị ảnh hưởng khổ lắm. Nước thải của nhà máy rò rỉ chảy thành dòng tràn xuống các đám ruộng khiến cây lúa, cây mía không phát triển được, năng suất thấp (chỉ gần bằng 50% so với trước). Chúng tôi không biết ảnh hưởng của việc rò rỉ nguồn nước thải ô nhiễm này có ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo và các loại cây trồng khác không, nhưng mỗi khi chúng tôi bước xuống là ngứa ngáy khó chịu lắm. Nhìn bờ đập thì đắp bằng đất sạn pha cát, thân đập nhỏ, có ngày lại bể nữa thôi. Cũng may, đám rẫy của nhà tôi nằm ở đầu gió nên ít bị ảnh hưởng mùi hôi thối. Khổ nhất vẫn là các hộ dân hướng xuôi gió thì lãnh đủ khi hít mùi chua thối không thở được… Đơn cử ai ai đi qua khu vực (tỉnh lộ 662) qua nhà máy này thì từ xa cũng phải nhịn thở, hoặc vừa đi vừa bịt mũi”.
Ông Hà Văn Hiếu (cách nhà máy gần 1 km) cho biết: “Tôi ở căn nhà này với bác ruột, nhưng mùa này căn nhà nằm cuối hướng gió nên bị mùi hôi chua tra tấn suốt ngày đêm. Bác tôi bán quán nước nhỏ nhưng vì gặp mùi nồng nặc nên mùa này khách cũng vắng hoe…”.
Chúng tôi đăng ký vào làm việc với lãnh đạo Nhà máy về vấn đề người dân phản ứng, thì được người bảo vệ gọi điện báo cho Giám đốc tên Trung. Lúc đầu, người bảo vệ nói rằng Giám đốc sẽ ra tiếp nhà báo, anh chờ tý. Nhưng một lúc sau, máy điện thoại của người bảo vệ lại kêu reng reng. Ngay sau đó, người bảo vệ quay ra nói rằng Giám đốc đi công tác không có ai làm việc đâu, đề nghị các anh ra ngoài…
Trước cổng nhà máy là hàng chục chiếc xe chở đầy ắp mì đang chờ đến lượt để vào cổng, chúng tôi tiếp tục vòng vào khu vực phía sau hồ chứa chất thải, được tận mắt chứng kiến tất cả khu vực hồ chứa (rộng khoảng 3-4 ha) không hề được rào chắn bảo vệ trong mênh mông ruộng rẫy, đối núi. Nếu người dân quanh đây, hoặc gia súc đến đây thì rất nguy hiểm. Xộc lên từ các hồ là mùi hóa chất màu đỏ nâu, hăng xè trong hốc mũi khiến nước mũi, nước mắt tự chảy, pha lẫn mùi chua thối. Bờ hồ chứa của cá đập thì được đắp rất đơn giản bằng cát sạn, nhiều chỗ nứt toác, bờ đập mỏng manh, phía dưới dọc chân hồ chứa là một dòng nước màu đỏ thẩm thấu ra ngoài chảy thành dòng, đổ thẳng vào khu vực ruộng rẫy của người dân đang sản xuất. Điều đáng nói là ngay phía chân hồ bị vỡ trước đây, nay được đắp lại sơ sài và phủ một lớp bạt đen với một số bao cát đắp tạm bợ… nhưng phía trên nhà máy vẫn hoạt động rầm rầm.
Ông Lê Trọng Nam – Chủ tịch UBND xã Pờ Tó cho biết: “Sau sự cố bể hồ nước thải lần trước, các cơ quan chứa năng đã xuống kiểm tra, lãnh đạo Nhà máy hứa sẽ khắc phục, khi nào ổn định là tiếp tục hoạt động. Nay nhà máy đang hoạt động trở lại. Theo quan điểm của địa phương là không đồng ý với việc sản xuất làm ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù, địa phương biết rằng nếu có nhà máy hoạt động trên địa bàn thì sẽ tăng giá trị hàng hóa nông sản cho nông dân, nhưng phải đảm bảo yêu cầu của các cơ quan nghiêm ngặt về vấn đề bảo vệ môi trường… Nếu chưa đảm bảo an toàn về vấn đề hồ đập và nước xả thải chưa đạt thì chính quyền địa phương yêu cầu các cơ quan chức năng cho tạm dừng sản xuất cho đến khi khắc phục xong, đạt chuẩn cho phép thì mới được hoạt động trở lại”.
Ông Nam cũng cho biết thêm, hiện nhà máy chế biến tinh bột sắn này nằm ở vị trí địa lý khắc nghiệt (trên đồi cao, nền đất pha cát và sạn) nên yêu cầu kỹ thuật để làm công tác chống thẩm thấu, rò rỉ nước thải, khả năng xử lý chống bể bờ hồ chứa là rất tốn kém, khó khăn. Đợt bị bể bờ hồ chứa vừa qua đã khiến hàng chục hộ dân bị thiệt hại, nay đã được phía nhà máy bồi thường xong. Tuy nhiên, phía chính quyền cũng mong các cơ quan chức năng cho thẩm định, kiểm tra kỹ về kỹ thuật chuyên môn, còn chính quyền địa phương chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước…”.