CPI tháng 3 tăng - Cần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng

24/03/2016 00:00

(TN&MT) - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm 2016 tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong tháng 3 tăng 0,57%...

     

(TN&MT) - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm 2016 tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong tháng 3 tăng 0,57% so với tháng trước, trái với quy luật giảm hàng năm sau Tết Nguyên Đán. Do đó, cần có sự thận trọng trong chỉ đạo điều hành để bảo đảm mức  tăng giá tiêu dùng 5% mà QH đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Theo quy luật tiêu dùng CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán giảm, tuy nhiên năm nay, CPI trong tháng 3 và Quý I năm 2016 lại đi ngược với xu thế hàng năm(tăng nhẹ)  tập trung vào những mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Cụ thể, giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1.3.2016, theo đó giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 11,88%, góp phần làm cho CPI quý I tăng khoảng 0,46% so cùng kỳ năm trước.

Ngoài y tế, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02.10.2015 của Chính Phủ một số tỉnh đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục quý I tăng 3,63% so cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1.1.2016 nên giá một số loại dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở, điện, nước... đồng loạt tăng.

Một yếu tố quan trọng khác khiến CPI quý I tăng là do thị trường, quý I trùng với thời điểm Tết Nguyên đán nên nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm ở hai tháng đầu năm đều tăng. Nhưng do giá xăng dầu giảm mạnh ở tháng cuối năm 2015 và tháng 1, tháng 2 năm 2016 nên chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống của tháng 1 và tháng 2 chỉ tăng nhẹ, không cao như những năm trước. Bình quân quý I, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,54%.

Tổng quan thị trường và giá cả quý I năm 2016, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Vũ Thị Thu Thủy cho biết, CPI quý I tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước, đang ở mức thấp, góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra và  giữ lạm phát ở mức thấp.    

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.  QH đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2016 đặt ra dưới 5%.    

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thu Thủy cho rằng, CPI sẽ có khả năng vượt qua mức 5%. Bởi lẽ tháng 7 sẽ có đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế; học phí đầu năm học 2016 - 2017 tới đây cũng sẽ được điều chỉnh; cùng với đó là tình hình thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng tới nông nghiệp và giá lương thực, thực phẩm. Đồng thời, thị trường thép trong nước cũng đang thiết lập mặt bằng giá mới sau khi Bộ Công Thương áp đặt biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép nhập khẩu; diễn biến giá dầu thô thế giới đang nhích nhẹ;... cũng sẽ là tác nhân làm tăng CPI từ nay đến cuối năm.

Do đó, để kiểm soát CPI bình quân ở mức 5% theo đúng như QH đề ra cần có sự thận trọng trong điều hành. Theo Tổng cục Thống kê, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu (gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón..) khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Minh Thư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CPI tháng 3 tăng - Cần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO