CPI tăng thấp nhất kể từ năm 2016

Lưu Nguyên Sơn| 09/08/2021 16:28

(TN&MT) - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng 6/2021, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Ảnh minh họa

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định.

Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,36%, tác động làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 26/6/2021, ngày 12/7/2021 và ngày 27/7/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 7,08%, dầu Diezen tăng 6,97%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88% làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm, chủ yếu do các đợt nắng nóng trong tháng làm chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 3,38%; giá dầu hỏa tăng 7,23%; giá gas tăng 7,77%.

Theo Tổng cục Thống kê, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67% do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến làm giá lương thực, thực phẩm tăng. Trong đó, lương thực tăng 0,36%; thực phẩm tăng 0,95%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao cùng với giá thuốc lá tăng 0,43% do nguồn cung giảm. Ngoài ra, các nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; Nhóm giáo dục; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng lần lượt là 0,06%; 0,03%; 0,03%.

Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,1% chủ yếu do giá du lịch trọn gói giảm 0,05%; giá khách sạn, nhà khách giảm 0,41%, bên cạnh đó, giá cây, hoa cảnh giảm 0,53% do thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% do giá điện thoại di động giảm 0,12% và phụ kiện điện thoại thông minh, máy tính bảng giảm 1,77%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%. Riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác không đổi.

Theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 28/7/2021 giảm 1,78% so với tháng 6/2021 do đồng đô-la Mỹ phục hồi, thị trường chứng khoán tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhẹ. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 1,39% so với tháng 6/2021 giảm 1,16% so với tháng 12/2020 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm 2020.

Đồng đô-la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng biến thể Covid-19 mới có thể đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô-la Mỹ tháng 7/2021 tăng 0,09% so với tháng 6/2021 giảm 0,23% so với tháng 12/2020 và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2021 giảm 0,06% so với tháng 6/2021 và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CPI tăng thấp nhất kể từ năm 2016
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO