Gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ thảo luận việc thực hiện kế hoạch toàn cầu chống hiện tượng ấm lên toàn cầu, đồng thời tìm cách chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ này với một bước chuyển sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các loại năng lượng sạch khác.
Người biểu tình bên lề COP 23 mặc trang phục gấu bắc cực và Tổng thống Mỹ Donald Trump để phản đối việc ông rút nước này khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. (Ảnh: Reuters) |
Đây là Hội nghị COP đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, và cũng là lần đầu tiên, Fiji một quốc đảo nhỏ trên Thái Bình Dương làm chủ tịch hội nghị.
Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama, Chủ tịch Hội nghị COP 23 cho biết, ông muốn các nước có hành động khẩn cấp để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong tuyên bố tóm tắt mục tiêu của hội nghị phát đi ngày hôm qua, Thủ tướng Fiji cho biết, thế giới không còn thời gian để lãng phí trước sự chịu đựng của con người do bão, lũ cháy rừng, hạn hán, đe dọa an ninh lương thực gây ra do tác động của biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi mang tới Hội nghị lần này thông điệp từ quốc đảo Fiji, Thái Bình Dương cũng như các nước dễ bị tổn thương trên thế giới, rằng mọi thứ đã quá đủ”, ông Frank Bainimarama nói. “Chúng ta cần ý chí chính trị của các bên để tạo sự thay đổi cần thiết để loại bỏ những hậu quả mà con người phải chịu đựng do biến đổi khí hậu gây ra”.
Biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả đối với con người cũng như nền kinh tế. Theo kết quả một nghiên cứu do các chuyên gia trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tổng hợp, năm ngoái, thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 129 tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ còn tăng tiếp tục tăng khi tình trạng biến đổi khí hậu làm gia tăng hạn hán và bão lũ trên thế giới.
Trong báo cáo công bố ngày 31/10 trên tạp chí The Lancet (Anh), các nhà khoa học cũng nói rằng, với những đợt nắng nóng gay gắt, sự lây lan của các bệnh do muỗi truyền và tình trạng suy dinh dưỡng do mùa màng thất bát, từ năm 2000 đến nay, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.
Dựa trên 40 chỉ số về sức khỏe và khí hậu, báo cáo cho thấy từ năm 2000-2016, mỗi năm lại có thêm 125 triệu người trên thế giới gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng, đặc biệt người cao tuổi thuộc nhóm người có rủi ro cao. Kể từ năm 2000, năng suất lao động của nông dân giảm 5,3%, chủ yếu do thời tiết nắng nóng tại những nước như Ấn Độ, Brazil khiến sức khỏe của họ giảm sút.
Báo cáo này không đưa ra con số ước tính về số người tử vong do các lý do trực tiếp và gián tiếp liên quan tới biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ước tính trước đó của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy biến đối khí hậu có thể sẽ cướp đi sinh mạng của 250 nghìn người mỗi năm trong giai đoạn từ nămThùy Linh/VOV-Trung tâm Tin 2030 – 2050.
Ngay cả Mỹ, dù đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, cũng phải thừa nhận tình trạng biến đổi khí hậu là có thật, do con người gây ra và đang tác động tới đời sống hàng ngày của người dân Mỹ. Kết luận này được đưa ra trong một báo cáo khoa học của chính phủ liên bang, được Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 3/11.
Trong 12 ngày, từ ngày 6-17/11 tới, các đại diện của gần 200 quốc gia sẽ thảo luận về các quy định trong việc triển khai Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được ký năm 2015.
Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19). Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp Trái Đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng và bão lớn.
Theo VOV