Cách đây 70 năm, ngày 24/9/1949, được sự đồng ý của Chính phủ, Nha Khai khoáng và công nghệ quyết định thành lập Xí nghiệp than Lam Sơn, bao gồm: Mỏ Quán Triều (mỏ Khánh Hòa ngày nay) và mỏ Làng Cẩm do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý. Đây là mỏ than ra đời đầu tiên trong chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa với đầy đủ tư cách pháp nhân và mô hình của một đơn vị công nghiệp Nhà nước. Năm 1967, Mỏ than Quán Triều được vinh dự đổi tên là Mỏ than Khánh Hòa (tên của tỉnh Khánh Hòa, là tỉnh kết nghĩa với tỉnh Bắc Thái).
70 năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân Công ty than Khánh Hòa đã luôn đoàn kết, nỗ lực trong tổ chức sản xuất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công nhân của Công ty luôn cố gắng học tập, vươn lên để làm chủ thiết bị khoa học tiên tiến, hiện đại và xây dựng tác phong công nghiệp; bố trí hợp lý lực lượng lao động.
Một trong những bước phát triển của Than Khánh Hòa đó là Dự án đầu tư xây dựng máy nhiệt điện Cao Ngạn đã được Chính phủ phê duyệt ngày 3/12/1998, với tổng mức đầu tư của dự án là gần 124 triệu USD và giao công suất phát điện 100MW, sử dụng 75% than Khánh Hòa và 25% than Núi Hồng. Tháng 7/2007 nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn chính thức phát điện thương phẩm lên lưới điện quốc gia. Nhờ sự ra đời của Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn và các Nhà máy xi măng của Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc, than Khánh Hòa đã có các hộ tiêu thụ ổn định với sản lượng hàng năm từ 550.000 đến 600.000 tấn. Từ đây, Công ty than Khánh Hòa có nhiệm vụ chính là phải luôn đảm bảo cung cấp đủ than cho Nhà Máy Nhiệt điện Cao Ngạn và các nhà máy xi măng trong Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trịnh Hồng Ngân – Giám đốc Công ty cho biết, một điểm nhấn trong quá trình phát triển của Công ty đó là, sau khi Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt đề án Tái cơ cấu và Cổ phần hóa Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc – Vinacomin, theo đó tháng 4/2014, Công ty TNHH MTV than Khánh Hòa được sát nhập vào Công ty Mẹ và trở thành chi nhánh của Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc, đội ngũ cán bộ người lao động Công ty luôn quyết tâm đổi mới, xây dựng Công ty phát triển và trưởng thành. “Đến nay, số lao động của Công ty có trình độ quản lý, tay nghề kỹ thuật, nghiệp vụ cao là 756 người. Chỉ tính riêng từ năm 2015 – 2019, Công ty đã khai thác 2.3 triệu tấn than nguyên khai (than hầm lò 225.762 tấn), bóc 21 triệu mét khối đất đá, đào 4.213m lò, tiêu thụ 3,1 triệu tấn than, nộp ngân sách 831,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân 8.5 triệu đồng/tháng. Hàng triệu tấn than đó đã sản xuất ra hàng triệu tấn xi măng và hàng tỷ kW điện góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước”.
Ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã biểu dương ghi nhận những nỗ lực của Công ty trong thời gian qua, đặc biệt có những lúc chỉ sản xuất cầm chừng nhưng Than Khánh Hòa đã kiên trì, cần cù chịu khó từng bước vượt qua những khó khăn thách thức. Tuy nhiên, trong thời gian tới để thực hiện chiến lược phát triển sản xuất Công ty giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Công ty than Khánh Hòa phải tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả, gắn liền với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác than. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng sản xuất; đầu tư đổi mới, đồng bộ hóa các thiết bị hiện đại có công suất lớn phù hợp; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi và thực sự tâm huyết để xây dựng phát triển công ty; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu sắp xếp lực lượng lao động phù hợp với mô hình quản trị mới, đảm bảo tinh giản gọn nhẹ nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập cho lao động.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Bắc cho biết, Thái Nguyên ngày càng phát triển, phần lớn là do sự đồng tình, quyết tâm của các doanh nghiệp trong đó có các đơn vị của Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc mà đơn cử là Công ty than Khánh Hòa. Và hi vọng Công ty Thanh Khánh Hòa nói riêng, TCTy CN mỏ Việt Bắc nói chung sẽ có nhiều sự đóng góp hơn nữa trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên.