Công ty giấy Lee & Man: Tiềm năng bứt phá thời công nghệ 4.0

Lê Hùng| 14/04/2020 16:43

(TN&MT) - Nắm bắt xu hướng công nghệ 4.0 giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, đặc biệt là các ngành chế biến, chế tạo, trong đó có ngành giấy. Nhìn đơn cử Công ty sản xuất bao bì giấy Lee & Man tại Hậu Giang, việc tối ưu hóa công nghệ không chỉ giúp DN giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhờ công nghệ, DN có thể tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh,an toàn với môi trường.

Công nghệ 4.0: Cơ hội và thách thức cho các DN sản xuất

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, việc thực hiện cách mạng công nghệ 4.0 trên khắp các ngành và xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 3.750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới và tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, công nghệ cũng mở ra cơ hội để DN nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguyên vật liệu. 

Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), để các DN hội nhập vào sân chơi toàn cầu, yêu cầu đặt ra là phải nâng cấp trang thiết bị sản xuất mới có thể nâng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn ít DN mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ.

Số DN có công xuất lớn (trên 100.000 tấn/năm), đầu tư công nghệ hiện đại, quy trình xử lý chất thải đảm bảo vẫn còn rất ít.

Theo khảo sát của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KH&CN), chỉ có 23% trong số các DN được điều tra có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ. Thực trạng này cũng là vướng mắc chung của ngành giấy. Công nghệ sản xuất của hầu hết các DN giấy Việt Nam ở mức trung bình và lạc hậu, máy móc, thiết bị đã hết khấu hao, thậm chí rất nhiều nhà máy không đủ năng lực xử lý nước thải.

Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển riêng của DN giấy mà còn giảm sức cạnh tranh của ngành sản xuất giấy trong nước. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ngành giấy vào giai đoạn “thanh lọc” theo hướng quy mô và hiện đại hơn. Theo đó, những DN lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, thúc đẩy ngành giấy phát triển.

Lee & Man ứng dụng công nghệ sản xuất giấy từ nguyên liệu giấy tái chế phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ trong ngành giấy: Vai trò “đầu tàu” của các DN lớn

Ông Hoàng Trung Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, so với ngay các nước trong khu vực, sức cạnh tranh của ngành giấy Việt Nam vẫn còn khá kém vì những vướng mắc trong công nghệ. Tuy phần lớn các DN đều nhận thức được đổi mới công nghệ trong sản xuất là vấn đề sống còn, nhiều DN đôi khi vẫn “lực bất tòng tâm” do hạn chế về nguồn vốn.

Tuy nhiên, tín hiệu khả quan là hiện tại đã bắt đầu có những DN giấy trong nước nỗ lực ứng dụng công nghệ để phát triển sản xuất. Điển hình như Công ty CP Giấy Sài Gòn, khi mở rộng sản xuất tại nhà máy Mỹ Xuân 2 đã triển khai ứng dụng nền tảng công nghệ tự động hóa, tiết kiệm năng lượng và nguyên nhiên liệu; đồng thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho toàn nhà máy với số vốn đầu tư 20 triệu USD, giúp tái sử dụng đến 90% lượng nước thải từ sản xuất.

Đây là 1 trong số ít DN “quốc nội” có khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng hiện đại hoá. Thực tế, so với các DN trong nước, DN FDI có nhiều lợi thế để đầu tư công nghệ hơn nhờ tiềm lực tài chính mạnh. Trong đó, Nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang đã chi đến 650 triệu USD đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, cho phép sử dụng ít năng lượng và tiêu thụ nước ở mức rất thấp.

Sự tiên phong ứng dụng công nghệ của Lee & Man còn góp phần tạo ra tác động lan tỏa công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới sản xuất.

Ngoài ra, dây chuyền sản xuất bột giấy tại công ty sản xuất bao bì giấy Lee & Man sử dụng công nghệ xử lý giấy phế liệu tiên tiến của Mỹ với thiết bị được KBC – Công ty cung cấp thiết bị sản xuất bột giấy tốt nhất thế giới cung cấp. Mặt khác, quy trình đóng gói sản phẩm cũng như hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động đã giúp nhà máy nâng cao hiệu suất hoạt động, đồng thời hạn chế những sai sót trong kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong mọi quy trình sản xuất còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu tác động môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019, ông Patrick Chung - Tổng Giám đốc Công ty Lee & Man Việt Nam cho biết: “Để xử lý khí thải tại nhà máy nhiệt, DN đã sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn và công nghệ xử lý khí thải lưu huỳnh bằng đá vôi, lọc bụi bằng túi vải, hệ thống xử lý Nox... Ngoài ra, công ty cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hoạt động xử lý tiếng ồn, mùi và đảm bảo chất lượng nước thải hợp quy định, với mong muốn đầu tư sản xuất an toàn môi trường hơn là lợi ích kinh doanh”.

Có thể nói, trong tương lai, với nền tảng công nghệ sẵn có, Công ty giấy Lee & Man có nhiều tiềm năng mở rộng sản xuất, nhất là khi nhu cầu giấy bao bì cao cấp từ thị trường đang tăng cao. Đây cũng là sản phẩm đòi hỏi sự đầu tư công nghệ cao mà rất ít các DN giấy trong nước có thể sản xuất được.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty giấy Lee & Man: Tiềm năng bứt phá thời công nghệ 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO