Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Hỗ trợ người dân trồng chuối

11/10/2018 17:38

(TN&MT) - Từ sự hỗ trợ về phân bón và kỹ thuật của Công ty Lâm Thao, người dân trồng chuối tại tỉnh Phú Thọ và Hải Dương đã tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa nước.

A3 chuyen de 9
Tham gia mô hình trồng chuối tiêu hồng sử dụng phân bón NPK khép kín, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (trái) thu được hiệu quả cao

Thay đổi thói quen trong sản xuất

Chuyển đổi từ trồng cây lương thực sang cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao như chuối tiêu hồng đang được chính quyền huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chú trọng. Các mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện sử dụng quy trình bón phân bằng NPK Lâm Thao khép kín đều cho năng suất tăng từ 15 - 20% so với tập quán bón phân ở địa phương, làm tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần thành công xây dựng nông thôn mới.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở khu 7, xã Bản Nguyên, là 1 trong 28 hộ được tham gia mô hình trồng chuối tiêu hồng sử dụng phân bón NPK khép kín. Chị Thủy bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi trồng chuối ít quan tâm tới áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Tham gia mô hình, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tôi hiểu nôm na là trồng cây chuối cũng như chăm sóc con lợn, con gà, nếu không chăm sóc tốt, sẽ không cho năng suất cao”.

Chị Thủy phấn khởi nói: “So với trồng chuối truyền thống trước đây, việc áp dụng phân bón NPK khép kín trên cây chuối tiêu hồng trồng trái vụ cho thấy, cây chuối phát triển tốt, ít sâu bệnh, buồng chuối dài, quả to đều, ăn thơm và ngọt hơn; năng suất cũng cao hơn nhiều so với chuối trồng theo cách truyền thống”.

Chị Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lâm Thao cho biết, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện có mối quan hệ mật thiết với bà con nông dân. Hội đã phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện nhiều mô hình bón phân trên cây lúa, ngô, chuối, rau màu… mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời, nâng cao kiến thức sản xuất cho hội viên phụ nữ ở cơ sở.

A2 Chuyen de 9
Các giống chuối tăng năng suất nhờ phân bón Lâm Thao

“Hiện, toàn huyện Lâm Thao có khoảng 78ha chuối trồng trái vụ, trong đó, chuối tiêu hồng khoảng 70ha, được trồng nhiều tại các xã Bản Nguyên, Cao Xá, Xuân Huy; chuối goòng 8ha trồng chủ yếu ở các xã Thạch Sơn, Cao Xá, Vĩnh Lại. Sau 2 năm chuyển đổi, cây chuối đang trở thành loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân vùng đất bãi. Hiện, giá bán trung bình 1 buồng chuối tiêu hồng vào khoảng100.000 - 120.000 đồng, vào dịp Tết Nguyên đán thông thường sẽ tăng thêm 20.000 - 30.000 đồng/buồng. Như vậy, thu nhập của mô hình đạt 300 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha. Vì vậy, các hội viên tham gia mô hình rất phấn khởi” - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lâm Thao cho biết.

Thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên nhân rộng mô hình trồng chuối tiêu hồng trái vụ sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín để đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Thu nhập cao gấp chục lần trồng lúa

Là một trong những hộ tiên phong trồng chuối tây ở Tứ Xã, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương)  ông Nguyễn Thiên Tấn (thôn Làng Vực) cho biết: “Chuối tây rất dễ trồng, ít sâu bệnh, buồng to, quả đẹp mà lại bán được giá. Chính vì vậy, tôi quyết định cải tạo 2ha đất ruộng lúa kém hiệu quả ngoài bãi triều để đầu tư trồng chuối, kết hợp nuôi rươi, nuôi cáy”.

A1 chuyen de 9

Để trồng chuối tây lai hiệu quả, ông Tấn cũng phải áp dụng đúng tiến bộ kỹ thuật. “Đất trồng chuối phải được làm sạch cỏ dại và cải tạo, bón phân chuồng kết hợp với phân NPK Lâm Thao để cung cấp đủ dưỡng chất. Vườn trồng chuối được làm luống có độ cao 1 - 1,5m để thoát nước tốt, tránh hiện tượng ngập úng; kết hợp làm rãnh vừa để thoát nước trong mùa mưa, vừa để nuôi rươi, nuôi cáy. Mỗi sào tôi trồng 70 cây chuối, hàng cách hàng 2,5m, cây cách cây 2m”- ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, đối với một số bệnh thường gặp như héo rũ, vàng lá, đỏ cây, cây đùn mủ do các loại nhậy, nhện và bệnh khô vằn gây ra, cần theo dõi và phun thuốc phòng trừ, sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh như đối với cây lúa. Đặc biệt, để chuối ra quả đẹp, trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển, việc chăm sóc bón phân cho cây rất quan trọng.

“Qua thực tế sản xuất tôi thấy, bón phân NPK khép kín trên cây chuối trồng trái vụ cho thấy cây chuối phát triển tốt, ít sâu bệnh, buồng chuối dài, quả to đều, ăn thơm và ngọt hơn; năng suất cũng cao hơn nhiều so với chuối trồng theo cách truyền thống. Bình quân mỗi cây chuối tôi thường bón 4 - 5 lần/năm, liều lượng mỗi lần bón từ 1 - 1,5kg phân NPK Lâm Thao, trong đó, cần tập trung chăm sóc vào 2 giai đoạn là sau khi trồng từ 9 - 10 tháng và khi chuối sắp trổ buồng” - ông Tấn chia sẻ.

Trao đổi về tình hình địa phương, chị Đặng Thị Dung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tứ Xã cho biết: Từ nhiều năm nay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con đã mạnh dạn cải tạo lại diện ruộng lúa ngoài triều bãi năng suất thấp để chuyển đổi sang trồng chuối kết hợp nuôi rươi, cáy.

Giống chuối tiêu hồng, chuối tây được trồng trên đất triều bãi xã Tứ Xã rất hợp với khí hậu, chất đất ở đây, lớn nhanh, cho quả đẹp. Để hỗ trợ người trồng chuối phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã đã phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện mô hình sử dụng phân bón NPK khép kín cho cây chuối trên đất triều bãi phù sa với diện tích 2ha, với sự tham gia của 10 hộ dân.

Khi mô hình trình diễn điểm trên cây chuối được triển khai, bà con rất phấn khởi. Các hộ tham gia mô hình được Công ty Lâm Thao hỗ trợ khép kín toàn bộ phân bón cho cây chuối. Bên cạnh đó, bà con còn được cán bộ kỹ thuật của công ty về tận cơ sở hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, và bảo quản sau khi thu hoạch; cách nhận biết một số loại bệnh thường gặp ở cây chuối, quy trình bón phân NPK khép kín theo tỷ lệ phù hợp ở từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây chuối tây, nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng...

Bên cạnh đó, để gỡ khó cho người trồng chuối riêng và các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã nói chung, hàng năm, Hội Nông dân xã hỗ trợ vay nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp Công ty Lâm Thao cung ứng hàng chục tấn phân bón trả chậm cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết: Nhiều năm nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Hải Dương) đã có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thông qua Chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm cho nông dân. Liên tục từ năm 2002 cho đến nay, mỗi năm, Trung tâm cung ứng hơn 8.000 tấn phân bón trả chậm không lấy lãi trong vòng từ 6 - 12 tháng cho bà con nông dân.

“Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương còn tích cực phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn điểm nhằm nâng cao hiểu biết và hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón hiệu quả” - ông Tuyến thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Hỗ trợ người dân trồng chuối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO