Công ty CP ô tô 1-5 có đem đối tác “bỏ chợ”?: Nguy cơ đứng trên bờ vực phá sản

Doãn Xuân - Quán Dũng| 08/03/2020 13:52

(TN&MT) - Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh bài Công ty CP ô tô 1-5: Có đem đối tác “bỏ chợ”? Tiếp tục tìm hiểu về vụ việc, chúng tôi được biết, các doanh nghiệp hiện tại rất hoang mang và lo lắng vì một khi các Quyết định số 7827/QĐ-KPHQ và 8042/QĐ-CCXP buộc phá dỡ các công trình xây dựng được thực thi thì nguy cơ các doanh nghiệp phá sản hàng loạt sẽ trở thành sự thực.

Nguy cơ phá sản hàng loạt

Hơn nửa tháng đặt lịch làm việc với UBND huyện Đông Anh, nhưng không thấy huyện thông tin gì, ngày 5/3/2020 phóng viên đã chủ động liên hệ qua điện thoại với ông Hoàng Hải Đăng, Chánh văn phòng HĐND - UBND hyện cho biết: Nội dung này đang thực hiện theo kết luận chỉ đạo của Thành phố, sẽ thông tin tới phóng viên khi có kết quả. Và ông Đăng không trả lời gì thêm.

Thực hiện theo kết luận mà ông Đăng nhắc tới, đó là ngày 27/2/2020 UBND Tp. Hà Nội ra Thông báo số 195/TB-UBND về việc Kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Tp. Hà Nội tại cuộc họp về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, giải quyết đơn đề nghị của 13 doanh nghiệp tại Nhà máy ô tô 1-5, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, nội dung này Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ làm rõ trong kỳ sau.

Quay lại vụ việc, được biết các doanh nghiệp ngày 21/10/2019 đã gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Đông Anh, đề nghị được xem xét và có hướng dẫn, giải quyết vướng mắc liên quan đến việc đầu tư, xây dựng nhà xưởng tại Dự án nhà máy ô tô 1-5, trong khi đơn kiến nghị chưa được huyện xem xét, thì ngày 22/10/2019 UBND huyện Đông Anh đã ra Quyết định số 7827/QĐ-KPHQ và Quyết định số 8042/QĐ-CCXP ngày 25/10/2019, yêu cầu Công ty CP ô tô 1-5 phá dỡ 31 công trình mà 13 doanh nghiệp đã xây dựng và sử dụng trên khuôn viên Dự án Nhà máy ô tô 1-5.

Nếu các quyết định hành chính nêu trên được thực thi, thì sẽ đẩy các doanh nghiệp ra khỏi nơi sản xuất, khiến hàng chục doanh nghiệp có nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản, hàng nghìn lao động mất việc làm. Trong khi đó, tới nay các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất cứ phương án bồi thường, hỗ trợ nào từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bên trong Nhà xưởng làm khung gầm Công ty CP ô tô 1-5

Tin tưởng vào những cam kết hợp tác đầu tư của Công ty ô tô 1-5 và với mong muốn gắn bó lâu dài với khu đất để ổn định sản xuất kinh doanh, 13 doanh nghiệp đã đầu tư hơn nghìn tỷ đồng để xây dựng 31 nhà xưởng và sử dụng ổn định từ năm 2015, 2016 đến nay. Việc đầu tư này phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch phân khu đô thị N6 của UBND Thành phố Hà Nội.
Được biết, năm 2007, Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam ban hành Quyết định giao nhà máy sản xuất ô tô 1-5 (nay là Công ty CP ô tô 1-5) làm Chủ đầu tư thực hiện Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô khách. Tuy nhiên, sau khi được giao thực hiện Dự án và được cấp Giấy phép xây dựng thì Công ty ô tô 1-5 lại không có đủ nguồn lực thực hiện Dự án. Vì vậy, khoảng năm 2014, 2015 Công ty ô tô 1-5 đã mời gọi các nhà đầu tư vào khu đất thực hiện Dự án để đầu tư, xây dựng hệ thống máy móc, nhà xưởng, sản xuất công nghiệp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành ô tô trên khu đất Nhà máy ô tô 1-5.

Do đó, việc các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại khu đất Dự án nhà máy ô tô 1-5 là theo lời mời gọi của Công ty ô tô 1-5 và phù hợp với quy hoạch của thành phố. Do đó, ngày 19/5/2016, UBND Tp. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2495/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Nhà máy ô tô 1-5, tỷ lệ 1/500 tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội.

Quay lại vụ việc, UBND huyện Đông Anh yêu cầu tháo dỡ các công trình xây dựng sẽ gây thiệt hại trực tiếp và nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thậm chí có thể đẩy các doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Trong khi, UBND huyện Đông Anh yêu cầu phá dỡ công trình xây dựng trên nhưng lại chưa hề bàn bạc với các doanh nghiệp, chưa đưa ra được phương án, lộ trình di dời cũng như việc bồi thường, hỗ trợ khi buộc tháo dỡ công trình.

Ngày 27/2/2020 UBND Tp. Hà Nội ra Thông báo số 195/TB-UBND về việc Kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Tp. Hà Nội tại cuộc họp về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, giải quyết đơn đề nghị của 13 doanh nghiệp tại Nhà máy ô tô 1-5, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh... giao Sở Xây dựng dự thảo văn bản của Ban cán sự Đảng UBND Tp. Hà Nội báo cáo Thường trực Thành ủy, Văn phòng Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2020.

Vị giám đốc doanh nghiệp đầu tư tại Dự án Nhà máy ô tô 1-5 xin dấu tên, bức xúc: Họ không cho chúng tôi quyền bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ, trong khi Công ty ô tô 1-5 thì “bưng bít”  thông tin làm cho các doanh nghiệp chúng tôi “mù” về mọi việc. Nếu đến bước đường cùng, chúng tôi sẵn sàng tháo dỡ toàn bộ, nhưng hãy kiểm kê tài sản, hỗ trợ kinh phí và có phương án bồi thường thì chúng tôi chấp hành mọi chủ trương, quyết sách của cơ quan Nhà nước. Còn không, xin hãy để cho chúng tôi và Công ty ô tô 1-5 tiếp tục lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để trình UBND Tp. Hà Nội phê duyệt quy hoạch.

Tổ kiểm tra liên ngành sẽ đưa ra phán quyết

Căn cứ khoản 2, 3 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ và đối chiếu với các công trình mà các doanh nghiệp đã xây dựng tại khu đất Dự án Nhà máy ô tô 1-5 thì các doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính buộc phá dỡ công trình bởi:

Các công trình không vi phạm chỉ giới xây dựng; Các công trình không gây ảnh hưởng công trình lân cận và không có tranh chấp; Các công trình này được xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp; Việc đầu tư vào xây dựng các công trình trên đất đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng trước ngày 15/1/2018 (ngày Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực) và phù hợp với quy hoạch đất công nghiệp (nhà máy, kho tàng, sản xuất lắp ráp ô tô, vật liệu mới…) và góp phần lớn trong việc phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước.

Vì vậy, ngày 19/5/2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2495/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết nhà máy ô tô 1-5, tỷ lệ 1/500 để giao cho Công ty ô tô 1-5 tổ chức, lập quy hoạch. Hơn nữa, cho đến nay, UBND thành phố Hà Nội cũng chưa có bất cứ văn bản nào thu hồi nhiệm vụ đã giao cho Công ty ô tô 1-5. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp và Công ty ô tô 1-5 đang thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND Tp. Hà Nội và UBND huyện Đông Anh tại Quyết định số 699/QĐ-XPVPHC ngày 30/3/2016.

Lãnh đạo Công ty CP ô tô 1-5 dẫn phóng viên đi thăm quan các mẫu xe khách công ty đang phát triển

Như vậy, việc UBND huyện Đông Anh ban hành quyết định phá dỡ các công trình xây dựng mà không cho các doanh nghiệp được tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý để tồn tại là không phù hợp với thực tế triển khai Dự án cũng như nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Nhà máy ô tô 1-5 mà UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt, không nhất quán về chủ trương, đường lối giải quyết của UBND huyện.

Ông Hoàng Ngọc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP ô tô 1-5 cho hay: Sau nhiều cuộc họp giữa các doanh nghiệp và chính quyền địa phương, các Sở liên quan bàn bạc giải pháp tháo gỡ “nốt thắt” cho Dự án, cuối cùng đã đi đến thống nhất, trong tháng 3/2020, UBND Tp. Hà Nội sẽ lập tổ kiểm tra liên ngành do các sở: Công thương, Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường… để xem xét một lần nữa, nếu Công ty ô tô 1-5 vẫn làm ô tô và các doanh nghiệp nằm trong khuôn viên Dự án vẫn làm phụ trợ ô tô thì sẽ cho tiến hành xử lý làm quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Được biết, Công ty CP ô tô 1-5 Nhà nước đã thoái vốn 100%, Tập đoàn BRG đã
mua 30% cổ phần tại đây, nhưng sau đó họ đã “nhanh tay” truyền “quả bóng” 30%
cổ phần đó cho Công ty CP Tập đoàn Thành Công (TC Motor).

Ông Thanh còn khẳng định: Chúng tôi vẫn đang làm các mẫu ô tô khách. Sau đó, ông Thanh và ông Trần Thành Nam, Phó Tổng giám đốc Phụ trách sản xuất đã dẫn chúng tôi đi thăm quan Nhà máy và giới thiệu các mẫu xe mà Công ty đang phát triển, tuy nhiên quy mô và mức độ dự án vẫn còn nhỏ giọt, chưa xứng tầm với kỳ vọng ban đầu: 5000 xe khách/năm mà Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin tiếp về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty CP ô tô 1-5 có đem đối tác “bỏ chợ”?: Nguy cơ đứng trên bờ vực phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO