Công ty CP Mía đường Sơn La, đã từng là một trong những “điểm đen” gây bức xúc cho người dân thị trấn Hát Lót vì quá trình xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường suối Nậm Pàn. Từ niên vụ mía 2014-2015, đơn vị đã đầu tư xây dựng và chạy thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải mới với quy trình khép kín, tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng.
Sau khi công trình hoàn thành, trước khi vào niên vụ mía 2015-2016, Công ty đã được Sở TN&MT Sơn La ban hành Quyết định chứng nhận cơ sở đã hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 24/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Trong những niên vụ mía tiếp theo, đơn vị đã tiếp tục đầu tư nhiều tỷ đồng để cải tạo các hồ chứa nước thải, lót đáy, làm bờ, phân loại nước thải và một số hạng mục khác. Niên vụ mía 2016-2017, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được khắc phục triệt để.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cho biết: Sang niên vụ mía 2017-2018, Công ty CP Mía đường Sơn La đã tiến hành đầu tư nâng công suất sản xuất cho 2 dây chuyền: Đường RS và đường tinh luyện RE. Trong đó, công suất đường RS nâng từ 3.000 tấn mía lên 5.000 tấn mía/ngày; đường tinh luyện RE nâng từ 300 tấn mía/ngày lên 500 tấn mía/ngày.
Để đáp ứng công suất này, Công ty đã tiến hành đầu tư riêng hệ thống xử lý nước thải mới theo công nghệ tiến bộ hơn hệ thống xử lý nước thải cũ, tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Đảm bảo xử lý được 2.000m3 nước/ngày; cộng với dây chuyền cũ 900 m3 nước/ngày. Tổng công suất xử lý hiện có đạt 2.900 m3 nước/ngày.
Tuy nhiên, với việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ nâng công suất hướng tới công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu, cộng với việc phân lập các nguồn nước, không để các nguồn nước lây nhiễm lẫn nhau, tiến hành thu hồi trên dây chuyền kín, đảm bảo theo các chỉ tiêu. Do đó, lượng nước thải phải xử lý hiện không vượt quá tối đa 500m3/ngày. Khoảng 90% lượng nước đã được tái sử dụng, hạn chế tối đa lượng nước khai thác từ suối lên.