Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam: Lợi ích mang đi, ô nhiễm để lại

Việt Linh| 29/06/2020 06:22

(TN&MT) - Nhiều nơi đang hằng ngày phản ánh vì phải sống chung với ô nhiễm từ những trang trại nuôi lợn gia công cho Công ty C.P Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân.

Trang trại nuôi lợn gia công cho C.P của gia đình Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên vô tư xả thải ra sông, suối khiến dòng nước đổi màu, gây ô nhiễm, từ nhiều năm qua bị người dân địa phương lên án.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P), thành viên của C.P Thái Lan (Tập đoàn Charoen Pokphand) liên tục bị người dân, chính quyền các địa phương phản ánh, lên án về việc xả thải, xả phân lợn ra kênh, mương, sông, suối, đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Khu vực bãi thải phân lợn được bố trí cạnh khu dân cư và cạnh dòng suối Đá gây mùi hôi thối.

Trước đó, nhận được phản ánh của người dân và chính quyền các tỉnh Hà Nam, Thái Nguyên về việc trong quá trình chăn nuôi, các Công ty chăn nuôi lợn gia công cho Công ty C.P vô tư xả thải không qua xử lý gây ô nhiễm nguồn nước. PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều ngày đi tìm hiểu và ghi nhận được hàng loạt các điểm xả thải, các trang trại chăn nuôi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có các biện pháp vệ nguồn nước, vô tư huỷ hoại môi trường.

Các trang trại nuôi cho C.P ở xã Phúc Thuận cũng bị tố xả thải gây ô nhiễm.

Cụ thể tại Hà Nam, hàng loạt trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty C.P thuộc các Công ty TNHH Nông nghiệp và Xây dựng Đông Xuân, 3 Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam tại xã Tiêu Động, xã Tràng An; Trang trại chăn nuôi của Công ty Thắng Linh tại xã An Ninh (cùng thuộc huyện Bình Lục)… bị người dân và chính quyền “tố” xả phân lợn không qua xử lý ra đồng ruộng, kênh mương, sông ngòi gây mùi hôi thối, ảnh hưởng tới sức khoẻ, đời sống sinh hoạt người dân.

Nước thải, phân lợn đổ ra bờ suối khiến dòng nước bị ô nhiễm, nước đổi màu thành 2 dòng rõ rệt tại Thái Nguyên.

Ông Đỗ Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Trịnh Xá (T.P Phủ Lý) trước đó thông tin tới PV đã bày tỏ sự vô cùng bức xúc: “Tôi không hiểu họ nuôi lợn kiểu gì mà lại không xử lý phân lợn, cứ vô tư xả ra kênh BH5, sau đó nước từ đây lại chảy qua kênh BH3, qua trường học mầm non, qua hết các cơ quan của xã tôi. Chưa dừng lại, nước ô nhiễm này lại còn chảy tiếp ra sông Châu Giang rồi chảy về phía nhà máy nước Bình Đà, nơi đang cung cấp nước cho 6 xã quanh khu vực”.

Phân lợn từ các trang trại ứ đọng bên bờ suối, sau đó chảy ra sông Công.

Cũng theo ông Thành, việc hàng loạt trại nuôi lợn gia công cho Công ty C.P đã gây ô nhiễm nhiều năm tại đây nhưng không được xử lý một cách triệt để, để lại hậu quả ô nhiễm môi trường nặng nề cho người dân phải gánh chịu.

“Dịp tiếp xúc cử tri nào người dân cũng ý kiến, phản ánh. Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã về kiểm tra, dân người ta dẫn ra tận nơi, lật cỏ lên để chỉ cho ống xả thải, mà xả thải ở đây là xả trực tiếp chứ không có qua xử lý gì cả. Thế nhưng không hiểu sao, kiểm tra mãi nhưng cũng chẳng thấy ý kiến phản hồi hay xử lý gì cả, dân chúng tôi ăn ở cùng ô nhiễm, uống nước bẩn bao năm nay khổ lắm rồi”, ông Thành thông tin.

Khu chăn nuôi gia công cho Công ty C.P nhiều năm qua xả thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Tương tự tại tỉnh Thái Nguyên, người dân tại xã Thành Công, Minh Đức, Phúc Thuận (T.X Phổ Yên); xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) cũng vô cùng bức xúc về việc hàng loạt các trại chăn nuôi gia công quy mô lớn cho Công ty C.P vô tư xả thải ra suối. Rồi từ xuối chảy về phía hạ nguồn, chảy ra sông Công gây ô nhiễm nguồn nước vô cùng nghiêm trọng.

Phân bị xả ngập ngụa xuống sông Châu Giang, chảy về phía hạ nguồn.

Dẫn PV Báo TN&MT đi thực tế tại tất cả các trang trại chăn nuôi gia công cho C.P tại tỉnh Thái Nguyên, theo ghi nhận thực tế thì tất cả những gì người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Các con suối đổi màu đen kịt, bốc mùi; phân lợn không qua xử lý được xả thẳng ra suối rồi chảy xuống hạ nguồn ra sông Công; phân tồn đọng ở các bờ sông, suối; hàng loạt các trại chăn nuôi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; nhiều trang trại của vợ Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cũng vô tư bức tử môi trường.

Người dân tại tỉnh Thái Nguyên cho biết: Mùi hôi thối từ trang trại và từ dòng suối thường xuyên bốc lên nồng nặc. Nước thải và phân lợn từ các trang trại này hàng ngày theo đường mương được đào sẵn rồi xả thẳng ra suối rồi từ xuối chảy thẳng ra phía sông Công mà không hề được xử lý.

Phân và nước phân từ kênh của Công ty C.P đổ ra kênh TH3 khiến ảnh hưởng tới nguồn nước nơi đây.

“Nhân dân và cử tri tại đây đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, kiến nghị tới tỉnh Thái Nguyên đề nghị có phương án để kiểm tra, xử lý các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm, ngang nhiên xả thải chất bẩn, nước thải, phân lợn ra suối nhưng tới nay mọi việc vẫn không có biến chuyển”, người dân bức xúc nói.

Trước những phản ánh của người dân, Giám đốc của các Công ty chăn nuôi gia công cho Công ty C.P cũng đã lên tiếng thừa nhận việc xả thải phân lợn gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những người này cho biết đơn vị của họ chỉ là đơn vị chăn nuôi còn mọi hoạt động, thiết kế đều do Công ty C.P chủ động thiết kế, xử lý.

“Công ty C.P sẽ tự thiết kế toàn bộ chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải, biogas, cung cấp thức ăn và thu mua sản phẩm lợn thịt. Hầu như thiết kế hệ thống xử lý về môi trường của Công ty C.P không đủ đáp ứng với nhu cầu thực tế xử dụng nên việc gây ô nhiễm là việc không tránh khỏi”, một chủ trại cho biết.

Trên thực tế, hàng loạt các trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty C.P đều gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, làm ảnh hưởng tới đời sống người dân khiến cử tri và chính quyền đều có ý kiến phản ánh. Tuy nhiên, trên trang web của Công ty C.P thì lại có những lời quảng cáo như “Nhà bếp của thế giới”; “Chúng tôi luôn ý thức xây dựng thương hiệu bằng việc tuyệt đối khắt khe trong tất cả các quy trình để đảm bảo tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn hàng đầu”.

Người dân cũng cho rằng lợi ích thì Công ty C.P mang đi còn ô nhiễm thì để lại làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều con người không phải chỉ một năm, hai năm mà những gì Công ty để lại còn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ sau do ô nhiễm.

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý toàn bộ những trang trại nuôi lợn gia công cho Công ty C.P đang từng ngày gây ô nhiễm, trả lại môi trường sống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam: Lợi ích mang đi, ô nhiễm để lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO