Nghị định này là văn bản hợp nhất các nội dung của 3 nghị định: Nghị định số 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 136/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.
Theo đó, Nghị định qui định rõ, công trình xử lý chất thải của dự án phải được vận hành thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp và đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải là các công trình, thiết bị xử lý: nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại (sau đây gọi chung là công trình xử lý chất thải).
Các công trình bảo vệ môi trường khác bao gồm: Các công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại; các công trình bảo vệ môi trường không phải là công trình xử lý chất thải không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm.
Chủ dự án thuộc đối tượng phải đầu tư xây dựng và lắp đặt các công trình xử lý chất thải chỉ được đưa vào vận hành thử nghiệm đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án khi đáp ứng đủ các điều kiện theo qui định.
Trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án, nếu chất thải xả ra môi trường không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, chủ dự án phải thực hiện các biện pháp sau: Dừng hoạt động hoặc giảm công suất của dự án để bảo đảm các công trình xử lý chất thải hiện hữu có thể xử lý các loại chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Cải tạo, nâng cấp, xây dựng bổ sung các công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; Trường hợp gây ra sự cố môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường, chủ dự án phải dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm và báo cáo kịp thời tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi triển khai dự án để được hướng dẫn giải quyết; chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi triển khai dự án: Kiểm tra các công trình xử lý chất thải của dự án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm, trừ dự án xử lý chất thải nguy hại được thực hiện theo quy định tại khoản 6 và khoản 6a Điều 10 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.
Trường hợp các công trình xử lý chất thải của dự án đáp ứng yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc phải có văn bản thông báo kết quả kiểm tra các công trình xử lý chất thải để chủ dự án vận hành thử nghiệm theo Mẫu số 10 Phụ lục VI Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì buộc chủ dự án phải hoàn thành trước khi vận hành thử nghiệm; Chủ trì, phối hợp với chủ dự án để kiểm tra việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án trong trường hợp cần thiết; Tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của chủ dự án liên quan đến việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải và hướng dẫn chủ dự án khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường (nếu có) trong quá trình vận hành thử nghiệm; Có văn bản thông báo kết quả kiểm tra việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo Mẫu số 11 Phụ lục VI Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc vận hành thử nghiệm, làm căn cứ để chủ dự án lập báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường của dự án theo quy định.