Giải thưởng VIFOTEC năm 2020 có 133 công trình gửi về tham dự, thuộc 6 lĩnh vực KHCN khác nhau. Trải qua nhiều vòng đánh giá, xem xét, Hội đồng Giám khảo quyết định chọn trao giải thưởng cho 45 công trình. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có 7 công trình đạt giải thưởng, trong đó giải cao nhất thuộc về BIENDONG POC với đề tài: “Nghiên cứu triển khai chương trình chuyển đổi số, tự động hoá nâng cao và quản trị mỏ dầu khí thông minh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác mỏ khí condensate Hải Thạch - Mộc Tinh Lô 05-2; 05-3, thuộc biển Đông Việt Nam” của nhóm tác giả TS. Ngô Hữu Hải, TS. Đặng Anh Tuấn, TS. Trần Vũ Tùng, ThS. Lý Văn Dao và ThS. Trần Ngọc Trung.
Quá trình thực hiện đề tài trên giàn Công nghệ trung tâm PQP-HT |
Trong đề tài này, nhóm tác giả tập trung phân tích mô hình chuyển đổi số, tự động hoá nâng cao và hệ thống quản trị mỏ dầu khí thông minh của BIENDONG POC. Nghiên cứu tạo lập và khai thác nguồn tài nguyên số hóa, thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu theo thời gian thực, tập trung và áp dụng khoa học dữ liệu, công nghệ tự động hoá vào hệ thống Quản trị dầu khí thông minh, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác mỏ khí condensate Hải Thạch - Mộc Tinh Lô 05-2, 05-3. Bằng việc tiếp cận và áp dụng những công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 vào thực tiễn sản xuất, đề tài được đánh giá mang tính thời đại và tiên phong đổi mới hoạt động sản xuất thông qua KHCN, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội cho đất nước.
Nhóm tác giả trao đổi kế hoạch thử nghiệm thực tế trên giàn PQP-HT |
Hiện BIENDONG POC là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số của Petrovietnam. Thực tiễn chương trình chuyển đổi số, tự động hoá nâng cao và quản trị mỏ dầu khí thông minh tại BIENDONG POC đã cung cấp các điều kiện thực tế để áp dụng các thành tựu của CMCN 4.0, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai cho các đơn vị khác. Ngoài ra, nghiên cứu còn mang tính dẫn dắt và đón đầu cho việc phát triển các nghiên cứu khoa học khác như áp dụng chương trình học máy (Machine Learning), trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị khai thác, chính xác hóa các mô hình minh giải địa chất, khai thác, tối ưu hóa thiết bị hệ thống xử lý khí condensate, công tác hậu cần (logistics), v.v… trong toàn bộ các hoạt động thăm dò, khai thác và vận hành quản trị mỏ dầu khí tại Việt Nam.
Biểu đồ khai thác, giám sát và vận hành thiết bị công nghệ |
Triển khai nghiên cứu, phát triển và áp dụng đề tài có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã khẳng định tính đúng đắn và ưu việt của các giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ tiên tiến, phục vụ cho hoạt động dầu khí tại các khu vực đặc biệt khó khăn phức tạp thuộc thềm lục địa Việt Nam. Hiệu quả của đề tài đã được đánh giá chi tiết thông qua việc xác định các cải tiến chính, như nâng cao hiệu suất làm việc, tiết giảm thời gian, chi phí, đảm bảo công tác điều hành và quản trị liên tục, bình thường, thông suốt, đặc biệt là trong các giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Đây cũng là nền tảng vững chắc giúp BIENDONG POC vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của tác động kép và phát triển bền vững, lâu dài.
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hàng năm, xét tặng cho các tác giả của những công trình khoa học công nghệ (KHCN) có giá trị khoa học - kinh tế - xã hội lớn được thực hiện tại Việt Nam, nhằm khích lệ, tôn vinh và công nhận sự đóng góp nổi bật của các tác giả và khuyến khích việc tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các thành tựu KHCN tiên tiến vào sản xuất và đời sống.