Công nghệ là 'vaccine' ứng phó biến đổi khí hậu

Theo Chinhphu.vn | 18/02/2023 15:25

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này khi tiếp ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), chiều 17/2, tại Trụ sở Chính phủ.

Công nghệ là 'vaccine' ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp về những vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đã trao đổi với lãnh đạo AFD về những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi sang kinh tế xanh, đầu tư xanh, tài chính xanh; xây dựng mục chi ngân sách cho ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH); phát triển thị trường tín chỉ carbon; đa dạng hóa các nguồn năng lượng một cách cân bằng và bền vững… nhằm thực hiện được các cam kết trong ứng phó với BĐKH, như trồng rừng, giảm phát thải khí nhà kính…

Phó Thủ tướng khẳng định, vấn đề ứng phó với BĐKH đã hết sức cấp bách, các nước trên thế giới phải cùng nhau hành động ngay.

Đơn cử, việc tham gia vào Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) cùng với Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nước phát triển khác, không chỉ thể hiện cam kết, trách nhiệm cao của Việt Nam đối với những vấn đề toàn cầu, mà còn cho thấy ứng phó với BĐKH chỉ có hiệu quả nếu được sự hưởng ứng và hành động của tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ.

Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, Tổng Giám đốc AFD cho biết, chuyến thăm công tác tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược, đặc biệt kỷ niệm 30 năm hợp tác giữa AFD với Việt Nam.

Bày tỏ niềm tự hào trước những thành quả AFD và Việt Nam đã đạt được từ năm 1994 đến nay, ông Rémy Rioux cho biết, AFD đã tài trợ cho 84 dự án với tổng mức cam kết hơn 2 tỷ euro. 

Trong giai đoạn 2006-2022, tổng số vốn giải ngân của AFD khoảng 1,1 tỷ euro cho 30 dự án và chương trình phát triển, góp phần hỗ trợ Việt Nam chống BĐKH và thích ứng với các tác động của BĐKH.

Ông Rémy Rioux mong muốn Việt Nam có thể đặt ra các yêu cầu cụ thể để AFD tận dụng các nguồn lực sẵn có trên nhiều lĩnh vực, như năng lượng, y tế, đa dạng sinh thái, nước, kỹ thuật số, đào tạo… nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân một cách thiết thực. 

Đặc biệt, AFD cố gắng hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, chống BĐKH, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với những tác động của BĐKH.

Chia sẻ về việc cung cấp vốn cho các dự án công trong khuôn khổ JETP, Tổng Giám đốc AFD cho biết, AFD cam kết bổ sung thêm các tác động về xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng, cũng như hỗ trợ phân tích làm rõ những phương án lựa chọn của Chính phủ Việt Nam khi tham gia thỏa thuận này.

Bên cạnh đó, AFD mong muốn hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại Nhà nước để tăng cường hỗ trợ cho khu vực tư nhân, đặc biệt trong hệ thống tài chính.

Vừa qua, AFD đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng chương trình toàn diện về hỗ trợ sự chuyển dịch hệ thống tài chính, tương tự đã triển khai tại Indonesia, Ấn Độ… để thu hút nguồn đầu tư tư nhân, phục vụ đầu tư năng lượng tái tạo.

Công nghệ là 'vaccine' ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng tin tưởng Việt Nam có thể trở thành một mô hình tiêu biểu của một nước đang phát triển thực hiện chuyển dịch năng lượng thành công - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Nhấn mạnh, quá trình chuyển dịch năng lượng đang dẫn dắt chuyển dịch trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội (an ninh năng lượng, lương thực, giao thông, xây dựng…), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, 2 yếu tố tiên quyết là công nghệ và cơ chế tài chính đầu tư cho các nghiên cứu khoa học với tư duy về tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), tuy nhiên, để có thể khai thác hiệu quả, bền vững thì cần điều tra, đánh giá, có công nghệ khai thác phù hợp, cơ chế huy động tài chính, đầu tư tư nhân thông thoáng…; đồng thời giảm tỉ lệ điện than nhưng vẫn bảo đảm cân bằng lưới điện.

"Bên cạnh việc hỗ trợ Việt Nam sớm tiếp cận những công nghệ hiện đại để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, chúng ta cần có những cơ chế tài chính toàn cầu nhằm huy động nguồn đầu tư thỏa đáng cho các nghiên cứu thiết thực, cốt lõi về hệ thống truyền tải điện thông minh; giải pháp vận chuyển, xuất khẩu năng lượng tái tạo; sản xuất nhiên liệu xanh (hydro xanh, amoniac xanh)…", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "công nghệ là vaccine ứng phó BĐKH".

Với kinh nghiệm, thời gian hoạt động tại Việt Nam, Phó Thủ tướng mong muốn những mô hình, dự án hỗ trợ của AFD trong thời gian tới sẽ mang tính liên vùng, liên ngành; phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp trong nghiên cứu, thương mại hoá công nghệ năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu xanh, phát triển hệ thống lưới điện thông minh… từ đó, kết nối với mục tiêu chung của Việt Nam, khu vực và toàn cầu về JETP, ứng phó BĐKH.

"Với tài nguyên gần như vô tận về gió, ánh nắng mặt trời, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu năng lượng tái tạo trong khu vực, từ đó mở ra dư địa mới, tài nguyên mới để phát triển nhanh, bền vững", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng đề nghị AFD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về chuyển giao công nghệ, nguồn vốn, đánh giá tác động đối với kinh tế, xã hội, đời sống của người dân trong quá trình chuyển dịch năng lượng, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ nguồn năng lượng truyền thống; tin tưởng, với sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có AFD, về công nghệ, nguồn lực, tài chính, Việt Nam có thể trở thành một mô hình tiêu biểu của một nước đang phát triển thực hiện thành công JETP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ là 'vaccine' ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO