Công khai thông tin về đất đai: Cần sớm có chế tài cụ thể

20/01/2015 00:00

(TN&MT) - Theo quy định của Luật Đất đai 2013, các thông tin liên quan đến đất đai như quy hoạch đất đai, công tác thu hồi đất, giá đất...

(TN&MT) -  Theo quy định của Luật Đất đai 2013, các thông tin liên quan đến đất đai như quy hoạch đất đai, công tác thu hồi đất, giá đất... phải được công khai. Tuy nhiên, khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh đất đai (LANDA)… cho thấy, người dân ở nhiều địa phương chưa thông tin rõ ràng, họ không được tham gia ý kiến, nhất là vào quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
   
"Giấu” thông tin để trục lợi ?
   
  Theo Nghiên cứu Công khai Thông tin Đất đai của WB, trên cơ sở khảo sát tại 63 tỉnh, 126 huyện và 321 xã được vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014 cho thấy, việc công khai thông tin đất đai đã từng bước được cải thiện so với năm 2010 song vẫn chưa đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi tìm hiểu thông tin tại các địa phương, cán bộ phụ trách từ chối cung cấp, yêu cầu phải được lãnh đạo đồng ý, nêu lý do thông tin là “mật” hay đòi giấy giới thiệu. Ở cấp xã, cán bộ phụ trách thường không có mặt ở cơ quan trong giờ làm việc hoặc trả lời họ không có các thông tin được yêu cầu cung cấp. Chỉ 50% điểm khảo sát cung cấp thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Mức độ thu thập thông tin quy hoạch đô thị còn thấp hơn nhiều, cứ khoảng 8 xã mới có 1 xã cung cấp.
   
   
  Ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển cho biết, khảo sát thực tiễn cho thấy, thực thi chính sách đất đai có rất nhiều bất cập, đặc biệt về lĩnh vực quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch còn manh mún, không đồng bộ, không được triển khai, thiếu chi tiết và thiếu cơ chế bảo vệ chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp thời gian qua đã gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không có thông tin và phải đứng ngoài cuộc về quá trình thực thi chính sách đất đai.
   
  Luật Đất đai 2013 đã quy định về quyền giám sát trực tiếp của người dân trong quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời giao trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân và tổ chức đại diện cho người dân. Tuy nhiên,theo đánh giá của nhiều chuyên gia, xảy ra tình trạng có luật, có chính sách đúng đắn nhưng khi thi hành lại bị chi phối và lệch lạc bởi lợi ích cá nhân. Mà đặc biệt là ở các cấp cơ sở, nơi va chạm trực tiếp tới các quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.  Tình trạng cố tình giấu thông tin để trục lợi đang được xem là điểm tắc nghẽn ở mức báo động và đáng quan ngại.
   
Mô hình Ban giám sát cộng đồng
   
  Được sự giúp đỡ của Liên minh Đất đai (Landa) và Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD), tại thôn Kim Tiến và Kim Lũ 2 (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã xây dựng mô hình Ban giám sát cộng đồng cấp thôn có nhiệm vụ giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, mà cụ thể là trong việc giám sát quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tại thôn Kim Tiến, đã có 60 hộ tham gia hội nghị ký kết, biểu quyết và bỏ phiếu đồng thuận với kế hoạch sử dụng đất của thôn, xã; tại thôn Kim Lũ I có 120 hộ tham gia. Ban giám sát xây dựng quy chế, kế hoạch giám sát, đồng thời đánh giá kế hoạch sử dụng đất và xây dựng các công trình giao thông nội thôn.
   
  Nhờ sự đồng thuận của người dân, đến nay, thôn Kim Tiến đã xây dựng kế hoạch và làm được 1 tuyến đường bê-tông có chiều dài 190m và 1 tuyến đường đã được giải tỏa làm dự án, thiết kế. Ban giám sát cùng với nhân dân luôn có mặt tại công trình trong thời gian thi công, mọi vấn đề đều được công khai, minh bạch. Nhờ đó, chất lượng công trình được đảm bảo, việc quy hoạch đất đai được nhân dân đồng thuận. Trong khi đó, thôn Kim Lũ I đã họp dân, xây dựng kế hoạch, giải tỏa làm dự án, thiết kế để làm tuyến đường nội thôn dài 250m.
   
  Đánh giá về mô hình đồng thuận, ông Lê Xuân Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tuyên Hóa cho rằng, việc chính quyền và người dân đi tìm sự đồng thuận trong việc quản lý, sử dụng đất đai đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng, trong các kế hoạch sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và hợp lý, giảm thiểu các khiếu kiện, khiếu nại và thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án.
   
Thiết lập đường dây tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm
   
  Để giải quyết vấn đề giấu thông tin ở cơ sở, theo một số chuyên gia, cần sớm ban hành các quy định cụ thể công tác công khai thông tin về đất đai, chế tài về việc bưng bít thông tin đất đai ở các cấp chính quyền cơ sở và có các hình thức xử lý cụ thể.
   
  Thực tế, nhằm bảo đảm tính minh bạch trong công tác quản lý đất đai, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc tiêu cực, Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định về việc tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh về vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai. Trong đó, xác định người dân có thể phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của cơ quan và cán bộ công chức, viên chức trong việc lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
   
  Đối với trường hợp thông tin phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Quản lý đất đai thì kể từ thời điểm nhận được báo cáo trong thời gian không quá 2 ngày làm việc phải xử lý thông tin phản ánh. Trong trường hợp thông tin phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương thì phải xử lý thông tin trong thời gian không quá 5 ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận được báo cáo. Kết quả xử lý thông tin phản ánh được công khai trên cổng thông tin của Bộ TN&MT và của Tổng cục Quản lý đất đai giúp người phản ánh dễ dàng tiếp cận.
   
Trường Giang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công khai thông tin về đất đai: Cần sớm có chế tài cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO