Tiến sỹ Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng: Đất đai là nền tảng cho sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như các hoạt động sinh kế cho các hộ gia đình nông nghiệp và nông thôn và hiện đang đóng một vai trò trung tâm ở khu vực sông Mê Kông. Do vậy, mục đích của Hội thảo nhằm giới thiệu rộng rãi về cuốn báo cáo và các thông tin tham khảo chính có trong báo cáo, cũng như tạo cơ hội thảo luận cho các bên có liên quan về các vấn đề đất đai và giải pháp trong chính sách và thực tiễn ở Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo |
Tiến sĩ Micah Ingalls, Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo cho biết, khu vực sông Mê Công đã có những tăng trưởng kinh tế và xã hội nhanh chóng trong hai thập kỷ vừa qua, với những biến đổi rõ rệt trong một số lĩnh vực quan trọng và quan hệ giữa các vùng nông thôn chiếm đa số dân số và các trung tâm đô thị giàu có hơn. Đất đai - là nền tảng cho sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như các hoạt động sinh kế cho các hộ gia đình nông nghiệp và nông thôn - tiếp tục đóng một vai trò trung tâm ở khu vực sông Mê Công.
Hiểu được thực trạng đất đai và những người đang phụ thuộc vào nó là đặc biệt quan trọng để có thể tạo ra những thay đổi có hiệu quả, chủ động đối phó với những bất ổn và giải quyết các vấn đề cốt lõi về quản trị để đảm bảo cho một tương lai bền vững hơn. Báo cáo Hiện trạng đất đai khu vực sông Mê Công là tập hợp các dữ liệu và thông tin quan trọng ở cấp khu vực và quốc gia nhằm xác định và mô tả các vấn đề và quy trình quan trọng xoay quanh đất đai, góp phần tạo cơ sở cho những trao đổi mang tính xây dựng và cùng nhau ra các quyết định có liên quan.
Báo cáo cũng là kết quả của một quá trình nghiên cứu và tham vấn lâu dài với hơn 100 chuyên gia về đất đai trong khu vực và trên toàn thế giới, được điều phối bởi Trung tâm Phát triển và Môi trường (CDE) và Dự án quản trị đất đai khu vực sông Mê Công(MRLG). Báo cáo được cấu trúc xung quanh 5 lĩnh vực: Con người phụ thuộc vào đất đai; Cơ sở tài nguyên đất; Phân phối tài nguyên đất trong xã hội; Công nhận và hợp pháp hóa quyền đối với đất đai của hộ nông dân sản xuất nhỏ; Quản trị và quản lý đất đai.
Đánh giá về một Chương trong Báo cáo trên, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: Các chính sách đất đai quan trọng nhất ở Việt Nam gắn liền với sự chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế bao cấp nhà nước sang nền kinh tế thị trường. Cho đến giai đoạn hiện này, tất cả các công cụ quản lý đất đai bao gồm Luật Đất đai, Quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai và quản lý đất đai đều cho thấy sự tham gia của người dân trong quản lý đất đai được quy định trong pháp luật, nhưng lại bị hạn chế trong triển khai trên thực tế, làm giảm hiệu quả kiểm soát tham nhũng.
Việc chuyển đổi đất chủ yếu dựa trên cơ chế thu hồi đất của Nhà nước với giá trị bồi thường dựa trên giá đất do các cơ quan hành chính có liên quan quyết định, dẫn đến sự không đồng thuận của người dân. Trên thực tế, khiếu nại của người dân về đất đai đã chiếm 70 đến 80% tổng số khiếu nại trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành một số chính sách để đảm bảo các quyền về đất đai và lợi ích từ việc sử dụng đất cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, các nông hộ nhỏ và các hộ gia đình dân tộc thiểu số….
Tại hội thảo, các đại diện từ các cơ quan Chính phủ có liên quan, tổ chức xã hội dân sự, cơ quan nghiên cứu, phát triển, quốc tế…đang làm việc trong các lĩnh vực về môi trường, xã hội, rừng, đất đai và kinh tế tham gia thảo luận bàn tròn với các chuyên gia trong ngành. Cụ thể, chủ yếu thảo luận xoay quanh đến vấn đề Chính phủ Việt Nam nên làm gì để có thể bảo vệ và bảo đảm quyền hưởng dụng và lợi ích của các hộ nông dân sản xuất nhỏ trong bối cảnh Việt Nam đang có những chuyển đổi mạnh mẽ trong nông nghiệp và sử dụng đất, đặc biệt là tập trung và tích tụ đất đai; thu hồi đất, đền bù hỗ trợ và tái định cư; công nhận quyền hưởng dụng theo tập tục.