Dẫn chứng báo cáo của Chính phủ, đại biểu Hiển cho biết, năm 2020 chúng ta đã phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, với 3.093 tổ chức vi phạm, trong đó, có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ pháp nhân vi phạm nào.
“Vậy nguyên nhân không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vi phạm là gì? Do hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu hay do bất cập của Bộ luật Hình sự, hay do năng lực của cơ quan phòng chống tội phạm”, đại biểu Hiển đặt câu hỏi.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Quốc Khánh |
Trả lời câu hỏi, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, câu hỏi của đại biểu Hiển nêu về số vụ vi phạm về môi trường nhiều nhưng chưa thấy khởi tố, truy tố được pháp nhân nào, liên quan đến xử lý trách nhiệm pháp nhân.
“Câu hỏi này làm cho cơ quan làm luật, những người làm luật cũng như những cơ quan thực thi pháp luật và người thực thi pháp luật phải suy nghĩ”, Viện trưởng Lê Minh Trí thừa nhận và cho rằng cán bộ xử lý vi phạm vấn đề môi trường còn lúng túng trong nhiều trường hợp.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong luật quy định, không phải hành vi nào vi phạm về môi trường chúng ta cũng xử lý hình sự, mà phụ thuộc vào mức độ định lượng gây ra ô nhiễm môi trường như thế nào thì chúng ta mới xử lý hình sự. Có những hành vi chúng ta quy định phải xử lý hành chính rồi mà vẫn vi phạm tiếp thì mới xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, có những sai phạm do cá nhân hoặc cá nhân núp bóng pháp nhân. Ông Trí lấy ví dụ, một giám đốc công ty chỉ đạo xả thải gây ô nhiễm, nhưng bây giờ chúng ta khởi tố, điều tra, xử lý giám đốc đó, thì công ty này có xử lý tiếp nữa hay không? Nếu không xử lý thì nghe có vẻ không xử lý trách nhiệm pháp nhân, nhưng căn cứ cụ thể nào để chúng ta truy tố pháp nhân này.
Đặc biệt, ông Lê Minh Trí thừa nhận còn nhiều trường hợp do chưa được hướng dẫn cụ thể nên cán bộ tỏ ra lúng túng khi xử lý vi phạm môi trường. Để khắc phục tình trạng trên, người thi hành luật cần có hướng dẫn cụ thể của các cấp từ nghị quyết đến văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tối cao, cho đến các thông tư liên tịch quy định rõ những tình tiết, chi tiết cụ thể để người và cơ quan thực thi pháp luật có thể căn cứ thực hiện, không sợ oan sai hoặc để lọt.
Nêu thực trạng hiện nay cán bộ thực thi xử lý vấn đề này có lúng túng, nếu bây giờ chúng ta làm cố lên mà chưa được hướng dẫn cụ thể thì sẽ oan, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, vấn đề đặt ra là chúng ta phải chỉ đạo các cơ quan chức năng có lộ trình nghiên cứu, đề xuất, xác định nguyên nhân chính của việc không khả thi này để có biện pháp khắc phục, trong đó có cả nguyên nhân của việc hướng dẫn pháp luật, cả nguyên nhân thực thi pháp luật.