Xã hội

Con đường Từ Thức

Nhà văn Nguyễn Bình Phương 21/01/2023 11:29

(TN&MT) - Có những chuyến đi cực ngắn nhưng ký ức về nó lại rất dài. Thường thì những chuyến đi như thế mang chút hơi hướng của sự sắp đặt vô hình nào đó, vượt ra ngoài những tính toán, hoạch định của ta. Tôi nhớ một chuyến đi ngắn, rất ngắn, chỉ là một buổi chiều tối, đến với Nga Sơn, Thanh Hóa. Đây là vùng đất gắn với một nhân vật thường trực gieo vào tôi sự tò mò cùng những nỗi băn khoăn. Ấy là Từ Thức.

Người Việt ai cũng biết chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, đã biết chuyện thì không thể không nhớ cửa biển Thần Phù, nơi nhân vật chính nhìn thấy đóa hoa sen bảy sắc cầu vồng gọi mình chèo ra đó, gặp động tiên, để rồi tạo nên một câu chuyện vừa đẹp vừa day dứt.

z4982762297473_7280fb3a57139aee06dcb1e1a9652f47.jpg
Bài thơ được Lê Quý Đôn khắc bên ngoài hang động sau khi chiêm bái nơi đây

Tôi có đọc một bài viết cách đây khá lâu, nội dung bài báo, sau khi nghiên cứu, phân tích hành trình của Từ Thức đã dẫn tới kết luận rằng, đó là lộ trình của người mộng du. Theo các ghi chép của địa phương, nơi ghi nhận những dấu chân du ngoạn mà Từ Thức đặt đến thì rõ ràng là có một mê đồ vòng xuyến, độ mở hơi méo một chút về phía nam, có nghĩa là Từ Thức đã có lúc đi quá đà, sau đó ông ấy quay trở lại và đến đúng chỗ đã dành sẵn cho mình: Cửa Thần Phù. Theo truyền thuyết ghi chép lại thì chính cái đóa sen kết từ mây ngũ sắc đã dẫn đường cho Từ Thức tới cõi tiên. Nhưng ở khía cạnh khác, chủ quan hơn, tôi tin trực giác chính là thứ dẫn lối cho Từ Thức để ông gặp lại người đẹp mình đã từng giúp đỡ một cách bâng quơ. Định mệnh có chỗ sắp đặt sẵn và kẻ được chọn, qua sự cầm tay, đẩy lưng của trực giác, cứ thế đi tới, dù gì thì cuối cùng vẫn cứ tới.

Ở Nga Sơn, tôi được đưa đến cửa Thần Phù. Chỗ đó bây giờ là cánh đồng chạy giữa hai dãy núi và người dẫn đường, một cán bộ huyện, đã chỉ cho tôi cái ngấn nước thuở xưa, nơi mà theo anh, cũng dựa vào truyền miệng, là chỗ Từ Thức đã chèo thuyền ra đó và gặp động tiên. Ngọn núi Từ Thức gặp tiên giờ cũng nằm trong lục địa khá sâu, nếu muốn tìm biển, tôi nghĩ chỉ có bằng hình dung. Và quả tình tôi được gặp biển, qua bữa gỏi cá nhệch mà chủ tịch huyện chiêu đãi. Chính lúc dùng bữa gỏi đó, tôi đã nghe được tiếng biển vỗ tràn trực tiếp vào trong não bộ của mình. Biển thời Từ Thức hóa ra vẫn còn, nó ẩn tàng trong không khí, trong từng thớ đá, trong những vỏ sò hóa vôi hằn lên vách núi như những bông hoa trắng bé nhỏ tinh xảo, trong từng dáng cây mà cành luôn võng xuống vì sự dào dạt mơ hồ từ ngàn xưa dội lại. Những cái đó cho tôi biết mình đang đứng ở giữa lòng biển, đang ở dưới độ sâu khoảng ba trăm mét. Lần đầu tiên tôi ý thức được mình có thể đứng ở dưới đáy biển, và sự thực đang đứng dưới đáy biển. Dĩ nhiên điều này đến từ cơn mộng du vô tiền khoáng hậu của Từ Thức, người đàn ông cách đây nhiều thế kỷ đã có một mẫn cảm tuyệt vời để sống sâu vào quãng ảo ảnh tuyệt vời. Và khi bị nỗi nhớ, chính xác là tế bào phàm trần trỗi dậy đánh thức cơn mộng ảo, thì lúc ấy, sự mẫn cảm của ông mất đi. Nếu Từ Thức không tỉnh mộng, hẳn trong cõi tiên bí mật sẽ có thêm một vị sống đời bất tử. Và hiển nhiên thế gian sẽ mất đi một nỗi day dứt đã trở thành ẩn ức mà mỗi phàm nhân chúng ta còn mang đến tận bây giờ. Trong mộng, trực giác dẫn chúng ta đi, nó bảo đảm cho chúng ta sự an toàn dưới quyền uy của nó, quyền uy của sự chính xác. Trực giác là chìa khóa vạn năng thiêng liêng giúp con người mở các cánh cửa vô hình mà chúng ta chưa thấy do bị những tạp ảnh của thực tại phủ lấp. Ở sau cánh cửa vô hình đó, chúng ta thấy thế giới mà chúng ta cần và từ đó có sự soi chiếu với thế giới chúng ta đang sống. Sự soi chiếu này không phải để phủ định lẫn nhau mà để bổ khuyết cho nhau. Không có nỗi buồn quan lại, Từ Thức không tìm thấy và không thể bước vào động tiên. Không có nỗi nhớ nhà, Từ Thức đã không bước ra khỏi cõi tiên để trở thành kẻ lạc thời. Cái thú vị của con người nằm ở chỗ dùng dằng ấy, nó bảo đảm cho chúng ta thụ hưởng ở song cõi với hai yếu tố luôn nhập nhoàng, đó là thể xác và tinh thần. Với cách tính thông thường, khi Từ Thức trèo lên hang và lạc vào động tiên thì nhân chiều cao của đỉnh núi hiện nay lên, chúng ta sẽ thấy động tiên cách mình cũng không xa, có điều không khí mù mờ đã làm cho nó khuất lấp, hoặc sự bạc màu trong mắt chúng ta khiến nó không được nhìn nhận rõ. Tôi nghĩ, bao giờ cũng có một động tiên ở đâu đó chờ được con người chúng ta tìm thấy.

z4982763851839_6dbfad402e3be87c67fc8afa2dcb2aa6.jpg
Minh họa cảnh "Từ Thức gặp Tiên"

Chuyến đi đến Nga Sơn ấy, tôi mang về cho mình một chút âm thanh của biển thời Từ Thức, một buồng phổi tràn ngập muối thời Từ Thức và cả nỗi hoang mang không phải của Từ Thức, mà của chính tôi. Rằng cái ông Từ Thức có lần nào dùng món gỏi cá nhệch mà chúng tôi đã được dùng. Rằng ai sẽ xác quyết về số phận Từ Thức sau khi câu chuyện khép lại, vì vẫn có một khe cửa hé mở ra, đó là lúc ông đội nón lá đi vào núi và không thấy trở ra. Ai dám đoan chắc ông không tìm kiếm và không gặp một động tiên khác nữa. Như thế cũng có nghĩa những chuyến du ngoạn của Từ Thức là vô cùng tận, chẳng có hồi kết. Đâu chỉ có mình nàng Giáng Hương và đâu chỉ có duy nhất một Điện Quỳnh Hư, một Gác Giao Quang nạm ngọc dát vàng. Trong tế bào của chúng ta có biết bao cõi bồng lai tiên cảnh khác nữa chờ được kết tủa, dựng xây và mở đón chúng ta du ngoạn vào đó nếu chúng ta thực sự có nhu cầu vượt thoát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường Từ Thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO