Dự án thực hiện với mong muốn môi trường xanh hơn
Nếu trước đây, mỗi khi đi ngang qua đây người dân bị ám ảnh bởi mùi hôi, thối bốc lên từ những bãi rác thải, thì nay dưới sự “biến hoá” của các nghệ sĩ, con đường đã trở nên sạch sẽ, khang trang, đặc biệt các tác phẩm đều sử dụng nguyên liệu tái chế: thùng phi, vỏ chai, thanh sắt rỉ…
Con thuyền trên nước gợn sóng bằng nhựa được thực hiện bởi nghệ sĩ Vũ Xuân Đông, với hơn 10.000 chai nhựa tạo thành |
Dự án nghệ thuật tại con đường ven sông Hồng không đơn thuần chỉ là nơi vẽ những bức tranh lên tường như dự án ở Phùng Hưng hay Phan Đình Phùng mà còn hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh khu vực này trong việc bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện các mô hình nghệ thuật, phần lớn nguyên liệu đều do nhóm họa sĩ, người dân sinh sống xung quanh con đường thu gom lại để góp phần tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy độc đáo nhưng cũng rất gần gũi với văn hoá của người Việt.
Ông Nguyễn Thế Sơn, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng giám tuyển của dự án cho biết, dự án “Nghệ thuật công cộng” ở Phúc Tân được lên ý tưởng từ 6 tháng trước. Đây không chỉ là những bức tranh trưng bày trong phòng nghệ thuật, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật được thực hiện với thông điệp ý nghĩa mà sâu sắc vì một môi trường xanh – sạch – đẹp, giúp người dân địa phương gìn giữ được những nét đẹp văn hóa mà không mất đi mỹ quan môi trường.
Để giúp cho dự án được hoàn thiện hơn, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã có sự tìm hiểu rất kĩ thông qua việc tìm hiểu về người dân, tương tác, nghiên cứu chính lịch sử của sông Hồng, bến nước cách đây 100 năm, hay lịch sử của cây cầu, văn hóa trong phố cổ, làm tài liệu hình ảnh để xâu chuỗi những câu chuyện ở đây.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn bên cạnh tác phẩm của mình, được dựng từ sắt phế thải và inox gương. |
Nổi bật trong 16 mô hình có thể kể đến 4 chiếc thuyền buồm được nghệ sĩ Vũ Xuân Đông thực hiện bằng 10.000 chai nhựa, lon nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng. Cụm mô hình những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng được làm bằng thùng phi do nghệ sĩ Lê Đăng Ninh thực hiện.
Ý thức người dân được nâng cao hơn
Từ bức tường 500m rêu, cáu bẩn, in hằn dấu vết của những lần gặp lũ chưa kể rác thải ngập ngụa, giờ đây bãi rác Phúc Tân bỗng chốc được “thay áo mới” với đủ màu sắc, hình họa đẹp mắt.
“Những ngày đầu thực hiện dự án, chúng tôi không được người dân ủng hộ vì họ chưa hiểu được hết ý nghĩa trong đó. Sau một thời gian chia sẻ, vận động, mọi người dần dần hiểu và có ý thức hơn. Tác phẩm thuyền của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông làm từ 10.000 chai nhựa là được người dân thu gom từ trường tiểu học Phúc Tân và của hội Phụ nữ đóng góp”, ông Sơn chia sẻ.
Tác phẩm được tạo từ hình ảnh những người gánh rong mang đậm tính lịch sử văn hoá. |
Bà Nguyễn Kim Luyến, người dân sinh sống tại phường Phúc Tân chia sẻ: “Các nghệ sĩ đã biến rác thải thành những tác phẩm nghệ thuật đầy tính nhân văn. Chứng kiến sự đổi thay của con đường qua từng ngày như vậy, người dân chúng tôi cũng đổi thay từng ngày, bắt đầu có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường”.
Anh Trần Hậu Yên Thế - Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam là tác giả của tác phẩm Bức Tường Danh Vọng nhận xét: Đây là một dự án rất hay, nó đánh thức tiềm năng về không gian rất là danh giá của Hà Nội gắn với cầu Long Biên, không chỉ có cầu mà còn rất nhiều ô cửa cánh cửa của 1 doanh nhân ở Hà Nội mà mọi người không biết. Bức tranh giống như một câu chuyện kể lại nét hào hoa của những con người tài danh của Hà Nội, cũng giống như cây cầu hình như họ lãng quên”.
Dù là những đóng góp nhỏ bé giúp cho Hà Nội được xanh hơn, những họa sĩ thi công dự án, họ cũng hy vọng, con đường ven đê sông Hồng sẽ nhận được nhiều tình cảm của người dân và ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao. Thông qua đó, mong Hà Nội sẽ hướng ra sông Hồng, những góc khuất của cuộc sống để không bị lãng quên, cải tạo môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh và thân thiện.